Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều thách thức đối với các trường thực hành sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Trường thực hành sư phạm đã tạo ra môi trường sư phạm, hình thành nhân cách người giáo viên và kỹ năng phương pháp dạy học cho sinh viên sư phạm, đóng góp đáng kể cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, hoạt động của các trường thực hành hiện nay vẫn có rất nhiều những khó khăn, thách thức.
HÌnh ảnh hoạt động tại trường phổ thông thực hành sư phạm (tỉnh An Giang)
HÌnh ảnh hoạt động tại trường phổ thông thực hành sư phạm (tỉnh An Giang)
Hiện có hai loại hình trường thực hành sư phạm là trường trực thuộc cơ sở đào tạo giáo viên và trường thực hành sư phạm do địa phương quản lý. Cả hai loại hình này đều đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại.
Các trường thực hành sư phạm trực thuộc cơ sở đào tạo giáo viên hiện không được cấp kinh phí cho các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực hành của sinh viên như kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục, kinh phí trả bồi dưỡng giáo viên phổ thông hướng dẫn sinh viên, mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy, … trong khi đó vẫn phải cố gắng đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông để khẳng định thương hiệu nhằm thu hút đầu vào và nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo viên có trường thực hành sư phạm trực thuộc chưa có quy định cụ thể về chế độ làm việc của giảng viên phương pháp giảng dạy bộ môn làm việc tại trường thực hành sư phạm; về trách nhiệm phối hợp giữa giảng viên của cơ sở đào tạo giáo viên và giáo viên trường thực hành sư phạm trong các hoạt động giảng dạy, giáo dục và hướng dẫn thực hành sư phạm.
Đối với các trường thực hành sư phạm do địa phương quản lý thì chưa được đầu tư hơn hẳn các trường phổ thông khác (không phải là trường thực hành sư phạm) để đảm nhận nhiệm vụ thực hành sư phạm cho sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo giáo viên.
Không những thế, hiện vẫn chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục địa phương với tư cách là cơ quan "cầu nối" giữa cơ sở đào tạo giáo viên và trường thực hành sư phạm. Cơ chế phối hợp giữa trường thực hành sư phạm với cơ sở đào tạo giáo viên và địa phương mặc dù đó được quy định trong Quy chế trường thực hành sư phạm nhưng chưa được cụ thể hóa trong thực tế. Như, chưa có các hợp đồng, các chương trình phối hợp hành động, … của các đơn vị. Vì vậy, các trường thực hành sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên chưa phát huy được mối quan hệ tác động qua lại giữa quá trình đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo giáo viên với việc đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của trường thực hành sư phạm. Trường thực hành sư phạm chưa thật sự là một trong những môi trường làm việc của giảng viên phương pháp giảng dạy bộ môn của cơ sở đào tạo giáo viên. Ngược lại, các giáo viên ở trường thực hành sư phạm không có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển chương trình đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo giáo viên.
Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), Nhìn chung, các trường thực hành sư phạm chưa thực hiện đầy đủ các chức năng theo quy định. Sinh viên thực hiện các nội dung phần thực hành sư phạm mới chủ yếu qua quan sát và nghe giảng giải, giới thiệu rất ít được thực hành các hoạt động thực tiễn như tiếp xúc học sinh, tổ chức các hoạt động cho học sinh, tập dượt hoạt động dạy học và giáo dục … vì sợ ảnh hưởng đến tiến độ các hoạt động của trường thực hành sư phạm.
Rất ít trường thực hành sư phạm được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục với các cơ sở đào tạo giáo viên. Chỉ một số trường được lựa chọn là địa điểm để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo giáo viên. Các sáng kiến của trường thực hành sư phạm rất ít được các cơ sở đào tạo giáo viên quan tâm tổng kết để có thể sử dụng vào mục đích đào tạo giáo viên. Một số trường thực hành sư phạm trước đây là trường bán công phải chuyển đổi sang tư thục hoặc công lập, có thể là công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự trang trải toàn bộ kinh phí hoạt động sẽ phải đối mặt với những khó khăn về kinh phí…
Để phát triển hệ thống trường thực hành sư phạm, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế trường thực hành sư phạm hiện hành. Cần có chế tài cần thiết để thực hiện "trường sư phạm phải có trường thực hành sư phạm" như là một quy định bắt buộc trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính và có cơ chế tạo động lực để khuyến khích phát triển hệ thống trường thực hành sư phạm trong các trường sư phạm, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…
Bên cạnh đó, cần đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, giáo viên theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, thực hành đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục, thực hành đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá tại trường thực hành sư phạm; sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế thực hành, thực tập sư phạm áp dụng cho các cơ sở đào tạo giáo viên trình độ đại học hệ chính quy; xây dựng mới và thay thế Chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên áp dụng trong các khoa đào tạo đại học sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ ngày 11/01/1985 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét trình Chính phủ cho giáo viên trường thực hành sư phạm được hưởng một số chế độ ưu đãi như các trường chuyên biệt khác.
Hiện cả nước có 65 trường thực hành sư phạm, bao gồm: 22 trường mầm non thực hành, 15 trường tiểu học thực hành, 16 trường trung học cơ sở thực hành, 7 trường trung học phổ thông thực hành, 4 trường thực hành nhiều cấp học và 1 trường trung cấp kỹ thuật thực hành) của 30 cơ sở đào tạo giáo viên.
Ttrong đó có 13 trường thực hành sư phạm trực thuộc 11 cơ sở đào tạo giáo viên (gồm 5 trường thực hành sư phạm trực thuộc 5 trường đại học sư phạm, 4 trường thực hành sư phạm trực thuộc 4 trường đại học có đào tạo giáo viên và 4 trường thực hành sư phạm trực thuộc 2 trường cao đẳng sư phạm).
Như vậy, với tổng số 129 cơ sở đào tạo giáo viên (gồm 56 trường sư phạm và 73 trường có đào tạo giáo viên) số cơ sở đào tạo giáo viên có trường thực hành sư phạm chỉ chiếm 23,26%, còn phần lớn chưa có trường thực hành sư phạm; trong đó, 38/56 trường sư phạm (67,86%) chưa có trường thực hành sư phạm
  Theo Đan Thảo
(GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)