Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là một trong những địa phương có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho thời kỳ hội nhập quốc tế. Theo đó, mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN không ngừng phát triển với nhiều chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong thời gian tới.

Sinh viên đăng ký tìm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng do Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tổ chức

Tăng cường chất và lượng

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 54 trường ĐH, 25 trường CĐ, 12 trường CĐ nghề, 41 trường TCCN, 26 trường TC nghề và hơn 370 cơ sở dạy nghề đào tạo cho xã hội trên 300 ngàn lao động mỗi năm. Với quy mô này, thành phố là địa phương đi đầu trong cả nước về đào tạo nguồn nhân lực.

Đặc biệt, mạng lưới các trường chuyên nghiệp thuộc thành phố đã có sự phát triển mạnh mẽ, quy mô đào tạo ngày càng mở rộng với những ngành nghề đa dạng. Nếu giai đoạn 1992-2000, TP.HCM chỉ có 15 trường chuyên nghiệp trực thuộc thành phố, thì đến giai đoạn 2006-2012 tăng lên 42 trường. Hiện nay thành phố có 65 trường trực thuộc, trong đó có 1 Học viện Cán bộ, 14 trường ĐH, 15 trường CĐ và 35 trường TCCN.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Các trường chuyên nghiệp thực thuộc thành phố thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, tiến hành biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, nâng cao thời gian thực hành…, đặc biệt là liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên – học sinh có thể thực hành trên máy móc, phương tiện hiện đại nhất. Ngoài ra, để đáp ứng quá trình hội nhập, ngành giáo dục chuyên nghiệp còn chủ động hợp tác quốc tế như triển khai chương trình tiên tiến theo chuẩn Singapore; triển khai dự án của Temasek Foundation – Singapore, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức về đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên…”.

3 thách thức lớn

“Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…)”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nói.

Với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực TP.HCM đã không ngừng được cải thiện về tay nghề. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập hiện nay, lao động TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là khi cạnh tranh với lao động các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động TP.HCM đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, nghịch lý là thành phố luôn rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề nằm trong định hướng phát triển như công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Theo đó, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn. Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…). Theo tôi, có 3 vấn đề thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam mà chúng ta cần quan tâm là: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm).

Đối với trình độ ngoại ngữ, theo khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) công bố năm 2015 về việc sinh viên ra trường đáp ứng kỹ năng tiếng Anh, có 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu; 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Còn về tác phong công nghiệp, ông Nguyễn Minh Vương, Trưởng nhóm bán hàng trực tiếp thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, chia sẻ: “Hiện nay, dù sinh viên mới ra trường đã ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm nhưng vẫn còn mang tác phong nông nghiệp, nhiều bạn trẻ vẫn còn đi trễ hoặc làm việc không tuân thủ theo nguyên tắc, mạnh ai nấy làm…”.

Bài, ảnh: Minh Châu

Câu hỏi tuyển sinh

Em muốn làm đầu bếp nhưng nấu ăn chưa tốt. Vậy em có khả năng để trở thành đầu bếp hay không? Nếu học nghề đầu bếp thì em phải học bao lâu?, trường có giới thiệu việc làm khi học viên hoàn thành khóa học không? (Một học viên Trung tâm GDTX Q.1, TP.HCM)

– Bà Nguyễn Thị Diễm (đại diện Trường hướng nghiệp Á Âu) trả lời: Trường chúng tôi đào tạo lĩnh vực nhà hàng khách sạn, trong đó có các khóa ngắn hạn về nghề đầu bếp. Nếu chưa biết nấu ăn, nhà trường sẽ đào tạo học viên lại từ đầu, đi từ những bước cơ bản như sử dụng dao bài bản, trang trí món ăn như thế nào, nguyên tắc nấu các món ăn theo từng châu lục… Hiện chúng tôi đang đào tạo các khóa bếp Việt, bếp Á, bếp Âu, bếp Nhật… Thời gian đào tạo ngắn hạn, khoảng 6-8 tháng. Nhà trường có liên kết với nhiều nhà hàng, khách sạn 4-5 sao ở thành phố để tạo cơ hội việc làm cho học viên khi hoàn thành khóa học. Theo đó, trong 3 tuần đầu thử việc, nếu làm tốt các em sẽ được tuyển dụng. Tuy nhiên, nhà trường chỉ hỗ trợ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, 50% còn lại là bản thân các em có thực sự đam mê, cố gắng gắn bó với nghề hay không thì mới có việc làm ổn định, lâu dài.

Gia đình muốn em theo ngành kế toán nhưng em không thích những con số. Bởi em rất thích làm trong lĩnh vực quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống… Vậy em nên theo nghề mà mình thích hay theo định hướng của gia đình? (Trần Anh Khoa, học sinh lớp 11 Trường THCS-THPT Đức Trí, TP.HCM)

– ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) trả lời: Hiện nay, nhiều gia đình có nền tảng sẵn nên muốn con em theo ngành nghề mà bố mẹ đã định sẵn. Nhưng em nên nhớ rằng, học một ngành chúng ta có thể làm được nhiều nghề, quan trọng là có đam mê hay không? Quản trị khách sạn liên quan đến phục vụ, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, lên kế hoạch… Nói chung nghề này áp lực công việc rất cao, đòi hỏi em phải năng động, giao tiếp tốt, kiểm soát được cảm xúc và đặc biệt là năng lực ngoại ngữ phải tốt. Vì vậy, ngoài sở thích, em cần xác định kỹ năng lực của mình có thực sự phù hợp với nghề hay không rồi mới lựa chọn.

H.Xuyên (ghi)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)