Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhiều thách thức về bản quyền sách trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-9, tại Trung tâm Báo chí TP HCM, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với UBND TP HCM, Cục Xuất bản, in và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng"

Hội thảo "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" dưới sự chủ trì và điều hành của PGS-TS Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và các nhà quản lý của Hội Xuất bản Việt Nam: TS Đỗ Quang Dũng, ông Nguyễn Nguyên, ông Tống Văn Thanh, bà Đinh Thị Thanh Thủy.

Đến nay, xuất bản đã trở thành một ngành kinh tế – công nghệ có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội. Xét trên phương diện kinh tế, xuất bản không phải là một ngành kinh tế mũi nhọn bởi ở hầu hết các quốc gia, xuất bản chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong tổng giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, xét trên phương diện khoa học và giáo dục, xuất bản sách là yếu tố quan trọng trong sở hữu và sản xuất các sản phẩm trí tuệ.

Nhiều thách thức về bản quyền sách trên mạng - Ảnh 1.

Xuất bản sách là yếu tố quan trọng trong sở hữu và sản xuất các sản phẩm trí tuệ. Trong ảnh: Chọn mua sách tại Đường sách TP HCM (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh

Tình trạng vi phạm bản quyền sách không mới. Những câu chuyện về sách lậu, vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi nhiều lần được các nhà xuất bản đề cập từ hội thảo đến chia sẻ trên truyền thông, thậm chí thưa kiện ra tòa. Nhiều giải pháp cũng được đề cập với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Thế nhưng, đến nay, hình thức vi phạm bản quyền sách ngày càng trở nên tinh vi và trở thành vấn đề nhức nhối.

Nếu trước đây, vi phạm bản quyền sách thể hiện dưới hình thức in lậu thì nay, trong sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số, đã tạo nên những hình thức vi phạm bản quyền mới hơn. Những đoạn clip ngắn review (đánh giá) sách, đọc sách giùm bạn… trên các nền tảng mạng xã hội khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền sách càng thêm trầm trọng. Tình trạng này diễn ra ở gần như mọi nền công nghiệp xuất bản sách chứ không chỉ tại Việt Nam.

Chính sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong khi các yếu tố quan trọng khác như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế khiến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp; đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.

Tham dự hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói ông nhiều lần rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi thấy người hâm mộ xin chữ ký của ông bằng cuốn sách lậu. Tất nhiên, ngay chính người mua cũng không biết đó là sách giả khi các chợ thương mại điện tử cũng tràn ngập sách lậu. Không chỉ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà hầu hết các tác giả, nhà xuất bản đều mong mỏi về những hành lang pháp lý cứng rắn hơn, đủ để răn đe những người làm sách giả.

Theo các chuyên gia, hiện nay mọi người vẫn nghĩ rằng phải có những vụ kiện tụng pháp lý thì mới có vấn đề về vi phạm bản quyền. Thực tế, tình trạng này luôn luôn diễn ra. Vì vậy, không chỉ bạn đọc cần nâng cao ý thức về bản quyền để có lựa chọn đúng mà chính tác giả cũng phải quan tâm đến vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Hiện nay Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan. Việt Nam cũng xây dựng hệ thống thiết chế quản lý và bảo hộ bản quyền cả ở trung ương và địa phương. Việt Nam có nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học, Trung tâm Bản quyền số…

Dù vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan Chính phủ, các hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả vẫn chưa giúp chấm dứt tình trạng khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.

Malaysia làm Chủ tịch luân phiên ABPA

Ngày 15-9, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TP HCM tổ chức, PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Chủ tịch luân phiên ABPA, đề xuất Malaysia sẽ là Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024 – 2025. Đề xuất này nhận được sự tán thành từ tất cả đại biểu đến từ các đoàn có mặt tại hội nghị, lễ chuyển giao sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA nhiệm kỳ 2022 – 2023, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

M.Khuê

Theo Thụy Vũ/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)