Một cơ sở kinh doanh sản xuất mà phần lớn lao động là người khuyết tật tại TP.HCM. Anh: I.T |
Ngày 22-3 tại TP.HCM, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tọa đàm “Cơ hội việc làm cho phụ nữ khuyết tật và bình đẳng giới tại nơi làm việc”.
Nhiều phụ nữ khuyết tật “thèm” việc làm
Cả nước có gần 7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% tổng dân số. Trong đó 3,6 triệu là nữ, hơn 5 triệu người sống ở nông thôn. 50% NKT trong độ tuổi lao động có việc làm, tuy nhiên phần lớn là làm trong lĩnh vực nông nghiệp (hơn 70%).
Để đảm bảo quyền lợi của NKT, cả nước hiện có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT và trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Trang – Điều phối viên của Tổ chức ILO – cho biết: “Thách thức của lao động nữ khuyết tật là khó tiếp cận với cơ hội việc làm đến từ hai phía là bản thân NKT và xã hội. Đặc biệt, từ phía xã hội. Qua khảo sát của ILO cùng một số đối tác, hiện điều kiện cơ sở vật chất của các trường dạy nghề vẫn thiếu; tài liệu, kỹ năng làm việc của giáo viên chưa tiếp cận được với NKT”.
Bà Lưu Thị Ánh Loan – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD – cũng cho biết: “Đa số NKT có trình độ văn hóa thấp và chưa qua đào tạo nghề. Tỷ lệ nữ từng làm việc và có việc làm thấp hơn so với nam. Nữ khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi trong vấn đề việc làm, do các rào cản như: thiếu dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng; nhận thức, định kiến về giới, các rào cản cơ sở hạ tầng…”.
Cũng theo bà Loan, DRD đã nghiên cứu những khó khăn của 30 doanh nghiệp (DN) khi tiếp nhận NKT. Kết quả cho thấy, các DN chưa nhận thức đúng về khả năng của phụ nữ khuyết tật, họ không hiểu rõ về các dạng tật và mức độ tật của người lao động. Nhiều DN cho rằng hiệu suất công việc và chi phí thuê lao động là NKT cao hơn, năng suất làm việc thấp hơn so với lao động bình thường. Ngoài ra, NKT thường làm việc không đạt yêu cầu và hay gây ra hậu quả, dễ bị tai nạn vì họ đi đứng khó khăn. Điều đáng nói nữa là, công việc dành cho NKT chưa nhiều, không đa dạng…
Mặt mạnh của NKT là rất chăm chỉ!
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Bà Mai đề nghị, các hiệp hội ngành nghề cần thúc đẩy việc làm bình đẳng cho NKT, vận động các DN nhận NKT vào làm việc vì những mặt mạnh của lao động là NKT là họ rất chăm chỉ, chịu khó.
Còn theo bà Trang thì: “Đi làm và có công việc là một cách hòa nhập xã hội nhanh nhất và khẳng định giá trị bản thân tốt đối với NKT”. Theo đó, bà Trang cho rằng: “Thúc đẩy việc làm cho phụ nữ khuyết tật cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như cơ quan quản lý Nhà nước; DN; hiệp hội đoàn thể và bản thân NKT. Với việc thể hiện trách nhiệm trong hỗ trợ phục hồi chức năng, nghề và việc làm cho NKT, ILO tiếp tục phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, chính sách việc làm cho NKT”.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn – Phó phòng Đào tạo – Trung tâm Dạy nghề cho NKT và trẻ mồ côi TP.HCM – thì: “Nếu muốn có được việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội thì phải đào tạo cho NKT nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng có được một nghề mà xã hội đang cần – càng tinh xảo càng tốt; bên cạnh đó là một sự hiểu biết nhất định để có thể tự tin hòa nhập, tự tin làm việc. Có như vậy mới có được sự bình đẳng trong xã hội và trong môi trường mà họ đang sống, đang làm việc”…
Q.Huy
Bình luận (0)