Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhiều thách thức với ngành mỹ thuật ứng dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, du lịch Việt đang rất cần những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính sáng tạo về mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của du khách

Năm 2022 và những năm sau đó, với nỗ lực phục hồi kinh tế, mỹ thuật ứng dụng tại thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trẻ hóa đội ngũ và tìm kiếm thị phần.

Thế giới ưa chuộng

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định, mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam ngày càng phát triển, phong phú về mẫu mã, thể hiện rõ qua Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 – năm 2022 vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội. Nhiều sản phẩm được các nghệ nhân sáng tạo có tính mỹ thuật cao, tạo sự chú ý như "Bình hoa đan tre" của Nguyễn Văn Tĩnh (Hà Nội); bộ nồi, chảo gia dụng có tính năng hỗ trợ người khiếm thị của Lưu Như Ngọc (TP HCM); hộp bạc mạ vàng "Kim long lưu bảo" của Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội); bộ sưu tập thời trang lân của Hoàng Thị Thu Trang (Hà Nội); tác phẩm "Mộng Nhật Bình" của Huỳnh Minh Thanh (Huế)… Không ít sản phẩm vừa mới trưng bày đã có khách đặt mua.

Nhiều thách thức với ngành mỹ thuật ứng dụng - Ảnh 1.

Khách tham quan sản phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 – năm 2022. Ảnh do Hội Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Được xác định là mũi nhọn của nền công nghiệp văn hóa, những năm gần đây mỹ thuật ứng dụng bao gồm thiết kế đồ họa, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất và nghệ thuật trang trí (trên các chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải…) đã được chú trọng ứng dụng vào các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Bước đầu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hoặc cũng đã góp mặt ở các điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

"Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt được khách hàng thế giới ưa chuộng, nhất là các sản phẩm thủ công làm bằng mây tre, đan bằng kỹ thuật truyền thống, có họa tiết, hình ảnh, hoa văn đặc trưng của người Việt" – nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết.

Ông Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cho rằng khi cuộc sống ngày càng phát triển, ngoài việc hướng tới các sản phẩm tiêu dùng mang tính công năng phục vụ cuộc sống người dân, còn hướng tới vẻ đẹp, yếu tố văn hóa và giá trị thẩm mỹ. "Việc bảo đảm giữa công năng và giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa một cách hài hòa đang là vấn đề đặt ra cho ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay" – ông Lương Xuân Đoàn nêu ý kiến.

Tính sáng tạo còn hạn chế

Với nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào như vậy, song vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, tận dụng triệt để nhằm giúp cho đội ngũ này gắn bó với nghề. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, bức xúc: "Cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, tuy nhiên, thực tế các làng nghề đang bế tắc về mẫu mã, thiếu vắng những thiết kế mang dấu ấn, bản sắc và bước đột phá. Trong bối cảnh hội nhập, du lịch Việt đang rất cần những mẫu mã có tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của du khách và đây chính là một thách thức đặt ra đối với ngành mỹ thuật ứng dụng".

NSND Trần Minh Ngọc cũng trăn trở: "Lĩnh vực thiết kế đồ họa cho sân khấu, công tác đào tạo đang dần thiếu những định hướng chuyên nghiệp và có xu hướng phát triển đại trà. Điều đáng lo ngại là không ít họa sĩ đồ họa trẻ thiếu tính sáng tạo, đã sao chép ý tưởng lẫn nhau nên các vở diễn, chương trình nghệ thuật, sân khấu cứ na ná nhau, không mang tính đặc thù sáng tạo".

Theo các nhà chuyên môn, mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện đang thừa nguồn nhân lực nhưng lại thiếu thợ lành nghề cũng như môi trường để kích cầu phát triển. Nguyên nhân là do mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mỹ thuật ứng dụng thiếu sự kết nối, hỗ trợ cần thiết lẫn nhau.

NSƯT Trịnh Xuân Chính cho rằng để khắc phục tình trạng vừa nói trên, ngành mỹ thuật ứng dụng đang rất cần sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà sản xuất và họa sĩ, nhà thiết kế. Riêng góc độ đào tạo cần bảo đảm đầu vào và đầu ra bền vững cho sinh viên ý thức rõ vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong các doanh nghiệp. Từ đó mới có thể thúc đẩy được nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng phát triển.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã đạt mức 2,23 tỉ USD (năm 2019) và giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm. Điều này cho thấy mỹ thuật ứng dụng là một trong những ngành mũi nhọn của nền công nghiệp văn hóa.
Theo Hoàng Thuận/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)