Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều thay đổi lớn của TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 sẽ có nhiều điểm mới. Trong đó, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng chuyên và thường, rà soát lại chỉ tiêu của các trường thực hiện đúng tỷ lệ phân luồng 70:30…


TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024

Thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng chuyên và thường

Trên cơ sở rút kinh nghiệm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023-2024, ông Lê Hoài Nam cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra một số giải pháp và mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa học tại các trường công lập cho HS trên địa bàn thành phố, đồng thời từng bước giảm dần tỷ lệ HS trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ tại các trường công lập.

Cụ thể, thống kê và phân tích chi tiết toàn bộ dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10 của 3 năm gần nhất của toàn thành phố theo quận, huyện, các trường THCS, kết hợp với dữ liệu địa chỉ nhà, khoảng cách từ nhà đến trường của HS qua 2 năm thí điểm áp dụng bản đồ GIS đưa ra các đánh giá về công tác đăng ký nguyện vọng và kết quả tuyển sinh của từng trường THCS. Trên cơ sở đánh giá, sở sẽ phối hợp với các phòng GD-ĐT, tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình tư vấn, hướng dẫn của một số trường THCS có tỷ lệ cao thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ.

Thay đổi, bổ sung tiêu chí đánh giá thi đua về việc đánh giá kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Kết quả phải dựa trên số lượng HS nộp hồ sơ vào trường trúng tuyển, mục tiêu tránh tình trạng một số đơn vị chạy theo thành tích và hướng dẫn HS đăng ký vào các trường ở xa nhà.

Phối hợp với phòng kế hoạch tài chính trong việc rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh ở các đơn vị đảm bảo đủ 70% HS tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào các trường THPT công lập theo đúng quy định phân luồng của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả của kỳ tuyển sinh 10 trong năm học 2023-2024, ông Lê Hoài Nam thông tin, Sở GD-ĐT hiện đang xây dựng các phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng chuyên và thường ở các trường THPT công lập. Phương án sẽ được trình lấy ý kiến của lãnh đạo sở, phòng ban ngay trong tháng 12-2023.

Theo ông Nam, các phương án được xây dựng trên cơ sở phấn đấu đảm bảo đạt được các mục tiêu: Rút ngắn thời gian công bố kết quả; Hỗ trợ HS tăng tỷ lệ khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký; Từng bước giảm dần số lượng HS trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ qua từng năm.

Đề thi theo hướng vận dụng thực tiễn

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 về cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2023 về số môn thi, cấu trúc đề thi. Cụ thể, kỳ thi sẽ diễn ra với 3 môn là ngữ văn, toán và tiếng Anh. Trong đó, ngữ văn và toán có thời gian làm bài 120 phút/môn, tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút.

“Đề thi sẽ đảm bảo tính phân hóa năng lực trình độ HS và phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi. Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra năng lực kiến thức môn học của HS mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của HS” – ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.

Cụ thể, ở môn ngữ văn, ông Nguyễn Tiến Thành – Chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, cấu trúc đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP.HCM không thay đổi so với tuyển sinh năm học 2023-2024. Cấu trúc đề thi gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận  văn học (4 điểm).

Ông Thành cho biết, các văn bản trong phần đọc hiểu có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học… Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Khi ôn tập, ông Thành khuyên HS nên lựa chọn các văn bản (báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học…) có nội dung phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự… để luyện tập các kỹ năng đọc hiểu: phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…

Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Với phần Nghị luận xã hội, ông Thành lưu ý thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Trong đó, cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Cần tránh: thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề…) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.

Đối với Nghị luận văn học, theo ông Thành, HS được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài: Đề 1: Yêu cầu HS tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề, cảm nhận tác phẩm ấy và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống; Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Với môn toán, ông Dương Bửu Lộc – Chuyên viên môn toán, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đề giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao. Cụ thể, đề thi gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1-2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.

Riêng đề thi môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ – Chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay sẽ có 40 câu hỏi (0,25 điểm/câu). Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10-15%. Chuyên viên phụ trách môn thi này nhấn mạnh đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng.

Khương Yến

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)