TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, có hơn 15.000 thí sinh (TS) đã đăng ký thi đánh giá năng lực vào ĐH này trong đợt 2 sẽ diễn ra ngày 7-7 tới.
Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM
Trong đó, khoảng 50% TS đã thi đợt 1 và tiếp tục đăng ký thi đợt 2. Các TS đăng ký mới phần lớn là những em chưa nắm được thông tin của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 và các TS vùng sâu, vùng xa. Do đó, ở đợt 2, ngoài khu vực thi tại TP.HCM, ĐH Quốc gia TP tổ chức thêm điểm thi tại Cần Thơ và Nha Trang nhằm tạo điều kiện cho TS ở ĐBSCL và khu vực miền Trung tham dự.
TS. Chính thông tin thêm, sau 2 tháng đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được hơn 55.500 nguyện vọng đăng ký. Trong đó, 3 trường thành viên gồm: ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế – Luật và ĐH Bách khoa có số lượng TS đăng ký nhiều nhất, đều trên 11.000 nguyện vọng. Việc nhiều TS cho rằng điểm thi của đợt 1 khá cao khiến TS thi đợt 2 gặp nhiều áp lực và cạnh tranh hơn trong việc xét tuyển nguyện vọng là không chính xác. Tính chất của đề thi đánh giá năng lực năm 2018, đợt 1 năm 2019 và đợt 2 sắp tới đây đều như nhau. Mức phân hóa TS và độ khó của đề thi đã được chuẩn hóa, đảm bảo đồng bộ giữa các đợt thi. Phổ điểm trung bình của đợt 2 sẽ khá giống với đợt 1. Do đó, TS đều có cơ hội ngang nhau. Hơn nữa, việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp với năng lực sẽ giúp TS đạt khả năng trúng tuyển cao hơn.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 7-7 tại 3 điểm thi: TP.HCM, Nha Trang và Cần Thơ. Đặc biệt, từ ngày 8 đến 14-7, TS muốn thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trước đó sẽ thực hiện điều chỉnh. Tuy nhiên, các em chỉ được điều chỉnh tên nguyện vọng, không được thêm bớt số lượng. Kết quả xét tuyển cho cả 2 đợt thi sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến công bố từ ngày 15 đến 17-7.
Trước đó, ngày 31-3, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 với hơn 33.000 TS cả nước tham dự tại TP.HCM và Bến Tre. Trong đó, tại TP.HCM có 14 điểm thi và Bến Tre 5 điểm thi. Các TS làm bài thi 120 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 150 phút, gồm 3 phần với kiến thức trải rộng ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, phần 1, kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh (40 câu); phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); phần 3 kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề liên quan đến hóa, lý, sinh, địa, sử, văn hóa và xã hội (50 câu). Tại các điểm thi, TS cho biết đề thi đánh giá năng lực lần này hay và tự tin làm được hơn 70% bài thi. Kết quả, phân bố điểm có dạng chuẩn với điểm trung bình là 674 điểm, bài thi cao điểm nhất đạt 1.078 điểm (thang điểm 1.200).
Không chỉ các trường thành viên, năm nay, cả nước có hàng chục trường ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH-CĐ như: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Nha Trang, ĐH Lạc Hồng, ĐH An Giang, ĐH Bình Dương, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)