Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều thương hiệu Việt vào tầm ngắm M&A

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods – FMCGs), nhiều thương hiệu của Việt Nam đang vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thôn tính thị trường.

Những mặt hàng thiết yếu luôn đông khách thuộc tầm ngắm của các nhà đầu tư thông qua các thương vụ M&A.

Cơ hội từ các công ty nhà nước

Không dừng lại các thương vụ nhỏ lẻ như những năm qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) đang nổi lên những thương vụ M&A có giá trị rất lớn. Nếu mọi việc thuận lợi, thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến một số thương vụ M&A liên quan đến ngành hàng này với quy mô hàng trăm, thậm chí lên đến hàng tỷ USD mỗi thương vụ!

Sự kiện đang gây xôn xao nhất hiện nay là chuyện tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi lên tiếng muốn mua lại một phần vốn trong Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khi Công ty Berli Jucker (BJC) của ông đã thâu tóm toàn bộ hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức) vào tháng 8 rồi. Nếu thương vụ mua lại Metro lên đến 655 triệu EUR (khoảng 879 triệu USD), thì để mua cổ phần Sabeco, khả năng tỷ phú giàu thứ ba ở Thái Lan này sẽ chi hàng tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco.

Thông tin từ các hãng thông tấn nước ngoài cho thấy, hãng đồ uống Thai Beverage (ThaiBev) thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Charoen, mong muốn mua cổ phần trị giá 2 tỷ USD trong Sabeco. Sabeco thuộc Bộ Công thương sẽ thành lập ban tái cơ cấu và bán 53% cổ phần cho một số nhà đầu tư chiến lược.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Euromonitor, hiện nhà nước nắm 89% cổ phần trong Sabeco và công ty này đang kiểm soát 46% thị trường bia Việt Nam trong năm 2013. ThaiBev “để mắt” tới Sabeco sau khi Fraser & Neave (F&N), một công ty bia khác của ông Charoen, thất bại trong nỗ lực mua lại một hãng bia của Myanmar. Có được cổ phần trong Sabeco sẽ mở ra một thị trường mới nổi khác cho tỷ phú Charoen, người tích cực tiến hành các thương vụ M&A với quy mô lớn trong những năm gần đây trong lĩnh vực bất động sản và hàng tiêu dùng. Trong đó phải kể tới vụ ông Charoen mua F&N với giá 11 tỷ USD vào năm 2011.

Việc ThaiBev muốn đầu tư vào Sabeco, giới đầu tư cho rằng không lạ bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới hiện nay và Sabeco có thị phần lớn ở Việt Nam. Trước ThaiBev, hàng loạt nhà sản xuất bia lớn khác trên thế giới như Sab Miller, Kirin Brewery, Asahi Breweries, Asia Pacific Breweries… cũng mong muốn trở thành ứng cử viên trong danh sách đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần của Sabeco.

Sôi động trên sàn

Trên sàn chứng khoán, các thương vụ M&A đình đám khác cũng diễn ra liên tục thời gian gần đây. Việc Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự kiến chi 357 tỷ đồng chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty CP Thực phẩm Cholimex, đơn vị có thị phần lớn về kinh doanh các mặt hàng gia vị, nước chấm, cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Giá chào mua công khai là 90.000 đồng/cổ phiếu với bên mua trực tiếp là Masan Food, doanh nghiệp do Masan Consumer sở hữu 100% vốn. Giới đầu tư tính toán mức giá Masan Consumer mua gấp hơn 21 lần lợi nhuận năm 2013 của Cholimex Foods.

Vì sao Masan Consumer bỏ một số tiền lớn để thâu tóm Cholimex Foods? Có nhiều lý do: Masan không chỉ nâng cao thị phần mà còn tận dụng được hệ thống phân phối của Cholimex. Ngoài ra, việc đầu tư này sẽ biến đối thủ cạnh tranh Cholimex về “cùng đội” với mình giúp Masan Consumer mạnh hơn; giống như các thương vụ M&A trước mà công ty đã mua gồm 53% cổ phần của VinaCafe Biên Hòa (VCF), 40% cổ phần của Proconco (Cám Con cò) và 63,5% cổ phần của Nước khoáng Vĩnh Hảo.

Trước đó, thương hiệu Kinh Đô đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho nhà sản xuất bánh kẹo Mỹ Mondelez International, thương vụ này lên đến 7.846 tỷ đồng (khoảng 370 triệu USD). Đại hội cổ đông bất thường của Kinh Đô mới đây cũng đã thông qua kế hoạch bán này và dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý 2 tới. Tuy nhiên khả năng Kinh Đô sẽ rút khỏi mảng kinh doanh bánh kẹo, bởi Tập đoàn Mondelez được giữ quyền chọn mua 20% số cổ phần còn lại sau 1 năm nắm giữ.

Rút khỏi bánh kẹo, HĐQT Kinh Đô đã quyết định nâng mức sở hữu của mình tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) từ 24% lên trên 51%. Nếu nắm quyền kiểm soát Vocarimex, Kinh Đô sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường dầu ăn trong nước, vì Vocarimex là doanh nghiệp có vị trí quan trọng trên thị trường dầu thực vật, hiện đang nắm 51% cổ phần của dầu thực vật Tường An, 24% cổ phần tại dầu thực vật Cái Lân (nhãn hiệu Neptune, Simply), 49% cổ phần Golden Hope Nhà Bè và 27% cổ phần tại dầu thực vật Tân Bình. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành hàng có tiềm năng phát triển như mì gói, cà phê, đồ uống, kem, sữa…, thông qua hình thức M&A.

Tiềm năng thị trường lớn

Ông Trần Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Kinh Đô, cho rằng thời điểm này là cơ hội “vàng” để Kinh Đô đẩy mạnh đầu tư qua M&A. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam sắp ký những hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước nên nếu không tranh thủ thời điểm này để đầu tư thì sau này sẽ bị cạnh tranh gay gắt với các đối thủ nước ngoài. Mặt khác, điểm thuận lợi trong việc M&A hiện nay, theo ông Việt, là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ hội để các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tham gia mua cổ phần của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.

Không riêng Kinh Đô, việc Chính phủ thúc đẩy cổ phần hóa công ty nhà nước, tổng công ty được xem là cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước khác có cơ hội tham gia vào các ngành mà hiện nay các doanh nghiệp nhà nước nắm chi phối hoặc độc quyền trên thị trường.

Việt Nam với thị trường 90 triệu dân, dân số đông và trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng đã tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định. Việc xóa bỏ thuế quan trong khối ASEAN giúp Việt Nam trở thành một thị trường lớn hơn trên 600 triệu dân. Và M&A được coi là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong hoạt động đầu tư, bởi tiết kiệm các nguồn lực, thời gian và tránh được rào cản thương mại. Điều này cũng lý giải vì sao các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm triệu USD để được tham gia thị trường này.

Ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái, là lĩnh vực chịu tác động thấp nhất bởi liên quan đến nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, đây là ngành có dòng tiền không bị tắc hay bị rủi ro thất thu như một số ngành khác. Báo cáo của các quỹ đầu tư cho thấy, sau một giai đoạn giải ngân, đến nay việc đầu tư vào các công ty hàng tiêu dùng đều cho kết quả kinh doanh khả quan và an toàn hơn những khu vực khác…

X. LỘC – M.THUẬN

(SGGP)

Bình luận (0)