Nền tảng gia đình là nhân tố quan trọng đầu tiên ảnh hưởng đến kết quả học tập trên. Có tỉnh 40,9% tỷ lệ HS ở mức dưới chuẩn môn Toán và 46,6% môn Tiếng Việt, kết quả khảo sát với hơn 60 nghìn HS ở 4.000 trường tiểu học.
> Giảm tỉ lệ học sinh yếu, kém, bỏ học ở tiểu học vùng khó khăn: Khi tiếng Việt đang là “ngoại ngữ”
Thông tin trên được Bộ GD-ĐT cho biết ngày 31/10 tại Hội nghị công bố báo cáo khảo sát kết quả học tập môn Toán và tiếng Việt của HS lớp 5 (2006-2007) được thực hiện giữa Dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Mỗi bộ đề gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm 40 phút (riêng môn Tiếng Việt có thêm 1 bài kiểm tra tự luận). Trong môn Toán, đề bao quát các số học và phép tính, các phép đo lường đơn giản, hình học và giải toán. Môn Tiếng Việt, nội dung kiểm tra bao gồm: đọc hiểu (truyện hoặc văn bản thường), chính tả, thực hành với từ và câu. Đề bài của hai môn đều yêu cầu 4 mức biết, hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Chênh lệch lớn giữa vùng miền
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu xét theo chuẩn chức năng (gồm hai mức đạt chuẩn và cận chuẩn), thì tỷ lệ HS đạt hai mức này trong môn Toán là 87%, môn Tiếng Việt là 82%. Nếu tính theo vùng, Tây Bắc có kết quả thấp nhất ở cả hai môn (31,2% HS dưới cận chuẩn môn Toán và 37% môn Tiếng Việt).
Vẫn còn gần 13% HS ở mức dưới chuẩn môn Toán và gần 19% môn tiếng Việt. Ông Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nhận định, “kết quả này tương đối khả quan nhưng chưa đồng đều. Song quan tâm nhất là sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng khảo sát ở cấp độ vùng, tỉnh, thành phố và vị trí trường đóng. Có tỉnh HS dưới chuẩn môn Toán là 40,9% và 46,6% môn Tiếng Việt.
Ngoài ra, cũng có sự chênh lệch lớn giữa vùng có kết quả tốt nhất và vùng có kết quả kém nhất. Ví dụ, môn Toán đồng bằng sông Hồng: 95,3% HS đạt chuẩn và cận chuẩn nhưng Tây Bắc chỉ đạt 68%. Môn Tiếng Việt, đồng bằng sông Hồng: 91%; Tây Bắc: 62%. Xét theo vị trí trường đóng, sự chênh lệch HS khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa còn khá lớn: 17,6% môn Toán và 21% môn Tiếng Việt. Đặc biệt, HS nam có kết qủa học kém hơn HS nữ ở cả hai môn.
Nền tảng gia đình ảnh hưởng lớn
Khi tiến hành khảo sát về nhân tố ảnh hưởng đến kết qủa học tập của HS, ông Lộc cũng rất bất ngờ bởi nếu như trước đây, “nhà trường – gia đình – xã hội” là những nhân tố tác động trực tiếp thì nay “nền tảng gia đình” là nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất. Tiếp theo là CSVC nhà trường, đội ngũ giáo viên, hoạt động của nhà trường…
Lý do của việc thay đổi trên, theo ông Lộc, do trình độ học vấn của cha mẹ ngày càng tăng lên (tính theo tổng số năm đi học ứng với trình độ cao nhất của cha mẹ HS). Bên cạnh đó, điều kiện học tập ở nhà, ở trường cũng có sự thay đổi theo chiều hướng thuận lợi cho việc đến trường và nâng cao kết quả học tập của các em.
Số HS ăn 3 bữa/ngày tăng lên, tuy nhiên, còn hơn 1,4% HS trên cả nước vẫn phải đi làm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Một yếu tố nữa cũng đáng quan tâm đến kết quả học tập của HS tiểu học là “CSVC nhà trường”. Hiện nay, vẫn còn 6% HS vùng sâu, 14% vùng xa và 4% vùng nông thôn phải học chung CSVC với trường THCS. Cả nước vẫn còn khoảng 24% phòng học thuộc diện xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đội ngũ giáo viên như trình độ học vấn, sư phạm, thâm niên giảng dạy có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Điều kiện thiếu thốn, gần 88% giáo viên chưa hài lòng với việc dạy và học.
Sẽ rà soát lại chương trình
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây là những kết quả hoàn toàn chính xác với điều kiện thực tế hiện nay. Với kết quả của đợt điều tra này, Bộ sẽ coi đây là căn cứ để điều chỉnh những chính sách, giải pháp phù hợp cho giáo dục hiện nay. Đặc biệt, nhờ điều tra này, Bộ đã xác định được nhân tố, vùng miền nào là quan trọng nhất để tập trung đầu tư hay khắc phục.
Đối với kết quả chất lượng môn Toán lại yếu hơn môn Tiếng Việt, theo Thứ trưởng Hiển, kết quả chỉ mang tính tương đối, không thể chính xác, nhưng Bộ sẽ cho rà soát, đánh giá lại chương trình SGK theo chu kỳ năm năm. “Có thể chương trình Toán và tài liệu hướng dẫn chưa thật phù hợp với HS và giáo viên”, Thứ trưởng Hiển nhận xét.
Riêng đối với bộ công cụ để đánh giá khảo sát lần này (hai bộ đề kiểm tra kết quả HS gồm một bộ môn Toán, một Văn và ba bộ phiếu hỏi thu thập thông tin cơ bản của HS, giáo viên và hiệu trưởng) đã áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới. Bộ công cụ này mang yếu tố khách quan, chứ không chủ quan như khi đánh giá trực tiếp giáo viên dạy mỗi năm hiện nay nên thời gian tới, cứ 3 năm một lần, Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng để đánh giá chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, Bộ sẽ xác định chuẩn kiến thức kỹ năng của các cấp học và xây dựng những chuẩn khác như chuẩn CSVC, đội ngũ giáo viên, quy trình phương tiện công cụ để kiểm định chất lượng nhà trường.
Ông Nguyễn Lộc cho biết, kết quả trên được tiến hành khảo sát trong thời gian một năm tại tám vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tại 4.000 trường tiểu học (chiếm 25% tổng số trường tiểu học cả nước), hơn 60 nghìn HS, 8.000 giáo viên hai môn Toán và Tiếng Việt lớp 5 và gần 4.000 hiệu trường tham gia trả lời câu hỏi. Tổng số bài kiểm tra và phiếu hỏi là 180 nghìn bài. So với đợt khảo sát lần đầu tiên vào năm 2001, tỷ lệ HS môn Toán đạt chuẩn thấp hơn. Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu trường được nghiên cứu là 830 trường; kế tiếp là Đồng Bắc: 770; đồng bằng sông Hồng: 640… |
Đức Hiệp (Theo Vietnannet)
Bình luận (0)