Từ sau ngày 20-11, số ca mắc mới trong ngày ở nước ta đã vượt qua 10.000 ca. Từ đầu tháng 12 đến nay, số mắc mới trong ngày luôn ở mức 14.000 ca. Một số địa phương ở khu vực phía Nam có ca nhiễm mới tăng chóng mặt…
Nhân viên y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiêm vắc-xin cho người dân
Số ca mắc tăng gấp 10 lần
Đó là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hồi đầu tháng 11, mỗi ngày địa phương chỉ ghi nhận 60-70 F0, nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, số ca mắc đã lên tới 600-700 ca/ngày, thậm chí có ngày lên tới trên 750 ca. Điều đáng quan ngại là, có những ngày số F0 cộng đồng chiếm tới 60-65%. Về cấp độ dịch có gần 10 xã, phường ở cấp độ 4, hơn 30 đơn vị ở cấp 3. Xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu đã bị phong tỏa toàn bộ từ 0 giờ ngày 23-11.
Với số ca mắc tăng chóng mặt, từ ngày 8-11, Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho cách ly F1 tại nhà; từ 25-11, cho cách ly, điều trị F0 tại nơi làm việc (khu công nghiệp, nhà máy…) và tại nhà.
Hay như tỉnh Sóc Trăng, đầu tháng 11, trung bình khoảng 230 ca/ngày nhưng từ ngày 28-11 thì vượt qua ngưỡng 750 ca/ngày. Hiện nay khoảng 770-800 ca/ngày, cao điểm lên tới 900 ca; trong đó ca cộng động lên tới 400-500 ca/ngày. Từ đầu tháng 12 đến nay, địa phương này liên tục ghi nhận từ 3-5 ca tử vong/ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng, ngày 28-11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký ban hành Công văn số 2988/UBND-VX về tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó yêu cầu từ ngày 28-11, người dân không ra đường kể từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau.
Còn Cần Thơ, liên tục ghi nhận số ca mắc ở mức cao, khoảng 900-1.000 ca/ngày. Riêng ngày 6-12, Cần Thơ có số ca mắc mới cao nhất cả nước – 1.189 ca. Về ca tử vong, những ngày đầu tháng 12, liên tục ghi nhận 13-15 ca ngày. Cần Thơ đang ở cấp độ dịch 3.
Từ đầu tháng 11 đến nay, cứ 5 ngày, số F0 được phát hiện trong ngày tại Tây Ninh lại tăng gấp đôi. Cụ thể, ngày 1-11 chỉ có 157 ca, thì ngày 5-11 tăng lên 305 ca, đến 15-11 là 579 ca, 30-11 là 727 ca. Từ đầu tháng 12 đến nay, ghi nhận trên 800 ca/ngày. Và hơn một nữa trong số đó là ca cộng động.
An Giang là một trong những địa phương hiếm hoi ở khu vực phía Nam có số ca mắc mới giảm. Giữa tháng 11, mỗi ngày ghi nhận khoảng 600 ca thì nay giảm còn khoảng 300-350 ca/ngày. Tuy nhiên, do dân số ít nên với số ca mắc mới như hiện nay thì vẫn còn rất cao. Tỉnh vẫn còn nhiều xã, huyện có cấp độ dịch mức 3, 4.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Hiện Cần Thơ có khoảng 13.000 F0 điều trị tại nhà. Để cấp phát thuốc và hỗ trợ điều trị cho số F0 này, Cần Thơ đã thành lập 58 đội cấp cứu lưu động với sự hỗ trợ nhân lực từ Trường ĐH Y dược Cần Thơ; đồng thời TP cũng được sự hỗ trợ của 5 tổ cấp cứu lưu động (gồm xe cấp cứu, nhân lực, trang thiết bị) từ Quân khu 9. Bên cạnh đó, TP cũng đã tuyển được hơn 800 nhân viên y tế tư vấn qua điện thoại cho F0 điều trị tại nhà.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, BV Đa khoa TP.Cần Thơ đều trong tình trạng quá tải. Cụ thể, BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ chỉ có 150 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng hiện có đến 170 bệnh nhân. Mặc dù, BV đã nhận 4 tổ điều trị từ Bộ Quốc phòng tăng cường nhưng vẫn không đủ. BV đang rất cần bác sĩ, điều dưỡng hồi sức tích cực… BV Đa khoa TP.Cần Thơ cũng đã tiếp nhận các tổ công tác hỗ trợ điều trị của Bộ Quốc phòng tăng cường; nhận hỗ trợ giường, máy thở tăng cường từ TP.HCM. Tuy nhiên BV cũng đang rất cần hỗ trợ thêm ekip chăm sóc hồi sức bệnh nhân nặng, cần bổ sung bơm tiêm điện và monitor theo dõi bệnh nhân.
Tại Tây Ninh, để có chỗ điều trị F0, tỉnh này đã đưa vào hoạt động 3 BV dã chiến, chuyển đổi công năng của các trung tâm y tế huyện và BV chuyên khoa; thiết lập 46 khu cách ly tập trung. Đội ngũ đang thiếu rất nhiều, theo đó Sở Y tế tỉnh đã có thư khẩn thiết kêu gọi các y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y, những người có chuyên môn y nhưng làm trong ngành khác đăng ký tình nguyện tham gia công tác chống dịch.
Toàn tỉnh An Giang có 13 cơ sở thu dung điều trị với 4.570 giường bệnh. Người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch được điều trị tại 4 BV tuyến tỉnh là BV Đa khoa Trung tâm An Giang, BV Đa khoa khu vực tỉnh, BV Đa khoa khu vực Tân Châu và BV Sản Nhi.
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 5 tỉnh, thành đang có ca mắc Covid-19, số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây là Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu và An Giang; các địa phương này đã đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các BV Trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vắc-xin để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…
Chi viện nhân lực cho các điểm nóng
Về đề xuất tăng cường nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các BV tuyến Trung ương theo Quyết định số 5500/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 30-11-2021 về việc phân công các BV tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các BV trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, BV Bạch Mai hỗ trợ An Giang; BV Việt Đức hỗ trợ Bà Rịa – Vũng Tàu; BV E hỗ trợ Tây Ninh; BV Nội tiết Trung ương hỗ trợ Sóc Trăng; BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ.
Trong công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, cần phân loại bệnh nhân, người có nguy cơ, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, có khoảng giữa tầng 1 là 1+, tầng 2 là 2+ và tầng để quản lý, giám sát chặt chẽ ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời. Các địa phương phải quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo “y tế phải gần dân nhất” thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động. |
Ông Long chỉ đạo các BV tuyến Trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị; đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.
BS Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ – cho biết, hiện tại BV vẫn đang tích cực thực hiện mục tiêu kép, vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại ĐBSCL vừa hoạt động Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19. BV đã tăng cường lên 100 giường cùng máy móc và ekip điều trị.
Ngoài các BV Trung ương theo phân công của Bộ Y tế, các “điểm nóng” về dịch bệnh Covid-19 còn nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh, thành khác. Đơn cử, ngày 2-12, 50 bác sĩ, nhân viên y tế của Hải Phòng đã vào hỗ trợ cho tỉnh Tây Ninh…
Hòa Triều
Bình luận (0)