Hành khách đội nắng chờ xe buýt trên địa bàn Q.9, TP.HCM
Trong những năm gần đây, hành khách đi xe buýt tại TP.HCM đều cảm nhận được sự thuận tiện, khi mà Trung tâm Quản lý giao thông công cộng trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP, đã mở và khai thác rất nhiều tuyến xe buýt mới với quy mô hoạt động vươn xa tới tận các vùng ngoại thành, thậm chí là các tỉnh lân cận như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…, khiến cho hành khách có thể dễ dàng bắt, chuyển xe buýt để đi lại dễ dàng. Không những vậy, chất lượng phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chu đáo, lịch sự, niềm nở…, cùng với nhiều tuyến buýt chất lượng cao ra đời cũng khiến hành khách hài lòng!
Tuy nhiên, có một vấn đề không chỉ riêng tôi, mà tôi nghĩ hết thảy những hành khách coi buýt là phương tiện chính để đi lại hàng ngày, đều trông thấy, nhìn thấy, đó là: Vẫn còn có quá nhiều trạm dừng đỗ xe buýt thiếu nhà chờ có mái che!
Thực tế đúng là như vậy, khi mà các nhà chờ có mái che mưa nắng thường chỉ được lắp đặt xây dựng tại những trục đường, tuyến phố chính – nơi có nhiều tuyến buýt chạy qua, chứ còn ở các tuyến đường phố bị coi là “phụ” thì rất hiếm trạm dừng đỗ có nhà chờ mái che. Tại các khu vực ngoại thành, các quận ven thành phố như: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, quận 9, 2, 12, Thủ Đức…, thì số lượng các nhà chờ có mái che tại trạm dành cho khách đứng đón đợi xe buýt càng rất ít, mà chủ yếu là các cây cột thép chỏng chơ, bên trên có gắn tấm bảng thông tin lộ trình các tuyến buýt sẽ đi qua.
Việc nhiều trạm buýt không nhà chờ có mái che như vậy gây bất tiện cho khách, nếu không muốn nói là khách phải khổ sở vì phải đội mưa, nắng trong thời gian đứng chờ xe. Bạn Lê Thị Hương (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), tâm sự: “Buổi trưa hàng ngày em vẫn ra trạm buýt gần nhà trên đường Lã Xuân Oai (Q.9) để bắt buýt tới trường. Trạm buýt này không có nhà chờ mái che, mà chỉ là cây cột thép cắm xuống đất, nên tất cả hành khách đều đứng đội nắng. Mùa nắng thường oi bức kinh khủng, nên ai mang dù theo còn đỡ, chứ không có dù thì chỉ còn nước là chịu trận chứ quanh đó không có bóng cây, cũng không có nhà dân… Mà nắng còn đỡ, chứ nếu gặp mưa bất chợt đổ xuống khi đang đứng đợi buýt… thì chắc chắn là bị ướt nhèm. Em đã từng bị ướt cả túi sách vở khi đang đứng đợi buýt tại trạm do không có dù hay áo mưa mang theo…”. Hương còn cho biết, không riêng gì chỗ bạn ấy thường ngày bắt xe buýt, mà trên cả con đường Lã Xuân Oai, đường Lò Lu, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam…, trong khu vực Q.9, thì thực trạng trạm buýt không nhà chờ có mái che là phổ biến, chỉ hiếm lắm mới có trạm có mái che.
Tại một trạm buýt trên đường Lê Văn Việt (Q.9 – đoạn gần chung cư C6 – đường Man Thiện), một hành khách đã phàn nàn về sự bất tiện khi trạm buýt thiếu nhà chờ có mái che: “Cô thì chỉ thi thoảng mới đi buýt lên trung tâm thành phố chơi hoặc có việc thôi, chứ mấy em học sinh sinh viên, người đi làm thường xuyên bằng xe buýt mà cứ ngày nào cũng đứng đón đợi tại các trạm buýt không có nhà chờ có mái che như thế này là quá bất tiện, quá khổ, bởi lẽ không chỉ đội nắng chịu mưa. Nếu những tuyến buýt chỉ độ dăm bảy phút có một chuyến thì đứng không sao, nhưng nhiều xe khoảng cách giãn giờ tới cả 15-20 phút, thậm chí là lâu hơn thì rất khổ nhất là những thời điểm nắng nóng như hiện nay…”.
Một địa điểm còn thiếu rất nhiều các nhà chờ dành cho khách đi xe buýt, đó là khu vực trước cửa Suối Tiên, ven hai bên đường xa lộ Hà Nội, thuộc địa bàn Q.9. Được biết, khu vực này là điểm đầu – cuối, của rất nhiều tuyến buýt, cũng như có rất nhiều tuyến buýt đi qua, như: tuyến số 07, 08, 10, 12, 19, 76, 99, 150… với lượng hành khách đứng chờ, đón đợi, chuyển xe mỗi ngày lên tới cả vài chục ngàn người, vậy mà trạm chờ chỉ là các cây cột thép chỏng chơ, không hề có nhà chờ có mái che!
Thiết nghĩ, để tạo thuận lợi cho hành khách đi xe buýt trong lúc chờ, đón đợi xe, thì song hành với việc đầu tư xe mới phục vụ khai thác những tuyến buýt chất lượng cao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cũng cần chú trọng hơn nữa tới việc đầu tư xây dựng, lắp ghép các nhà chờ có mái che tại các trạm dừng đỗ. Vẫn biết rằng việc thay thế hết thảy 100% các trạm dừng đỗ bằng nhà chờ có mái che là không thể, bởi ngoài vấn đề kinh phí ra thì nhiều địa điểm không thể xây dựng, lắp ghép được khung nhà chờ có mái che do các lý do: vỉa hè chật hẹp, chắn nhà dân, cơ quan… Thế nhưng, việc nghiên cứu khảo sát cần phải được nhanh chóng tiến hành, để trạm buýt nào có thể xây dựng, lắp ghép được nhà chờ có mái che thì làm ngay, chứ đừng chậm trễ, lãng quên như bấy lâu nay…!
Bài, ảnh: Đặng Đức
Bình luận (0)