Chỉ cần nghe đến hai từ “đi học”, nhiều trẻ liền vã mồ hôi, nôn ói, đau bụng, căng thẳng, thở mệt,… Đặc biệt, các triệu chứng này thường “nặng” hơn vào đầu năm học. Các bác sĩ giải thích, đó là do trẻ đã mắc bệnh “sợ đi học”! Tỷ lệ trẻ mắc bệnh này có nguy cơ ngày càng gia tăng…
Con cưng dễ mắc bệnh
Mỗi lần nghe mẹ chở đi học là bé L.T.H.A., 4 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) bắt đầu… đau bụng, ói hết thức ăn vừa ăn xong. Mẹ bé đã đưa bé đến nhiều phòng mạch tư khám, mua thuốc về uống nhưng bệnh vẫn tái diễn mỗi sáng trước khi đi học. Sau đó, bệnh nhi được đưa vào Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM để tư vấn. Các bác sĩ (BS) phát hiện, H.A. không bị bệnh gì nặng mà chỉ do sợ đi học. Triệu chứng nôn ói xuất hiện lúc sáng, nhưng đến tầm 10 giờ, bé lại tươi tỉnh chơi đùa khi biết chắc chắn ngày hôm đó… không phải đến lớp.
Bé C.V.U., 7 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) dù đã học hết lớp 1 nhưng vẫn sợ đến lớp khi ngày khai trường bắt đầu. Mỗi lần nghe đi học là bé phản ứng. Mẹ bé kể: “Tôi không biết vì sao cháu lại sợ đi học. Vợ chồng tôi có công việc tốt nên cho cháu học ở trường quốc tế, cháu cũng thông minh nên không cần phải học thêm. Vậy mà, những ngày đầu đến lớp, cháu “đình công” bằng cách cứ lầm lì không nói chuyện với ai. Về sau, khi cháu “chính thức” lên tiếng là không muốn đi học thì vợ chồng tôi mới tá hỏa”.
BS Phạm Ngọc Thanh – Trưởng Đơn vị Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 – khuyến cáo, cứ vào mùa tựu trường là trẻ mắc bệnh “sợ đi học” lại nhiều hơn, nhiều nhất là trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, lớp 1 nhưng cũng có trẻ đã học hết lớp 1. Riêng tại BV Nhi Đồng 1, mỗi ngày đơn vị Tâm lý tiếp nhận tư vấn cho 30 trẻ thì có đến 1/3 gặp các khó khăn trong vấn đề học tập, bao gồm cả trẻ sợ đi học.
Cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Theo BS Phạm Ngọc Thanh, trẻ mắc bệnh sợ đi học thường có biểu hiện lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, thở khó, mặt mày xanh lét; thậm chí sẽ bị ho, sốt, nôn ói, đau bụng… Ngoài những trẻ sợ đến lớp do thua kém bạn bè vì trí tuệ chậm phát triển, phần lớn trẻ sợ đi học đều do các yếu tố xã hội gây ra. Trước hết, nhiều gia đình quá cưng con, không chịu để con tự lập, từ việc đánh răng, tắm rửa, cho ăn, mắc mùng đi ngủ… người lớn cũng làm giúp. Cha mẹ không chịu tách rời con cho đến khi đi học. Chính vì trẻ chưa có thời gian tự lập nhưng lại bị thay đổi đột ngột môi trường sống nên trẻ cảm thấy sợ hãi. Đây là tâm lý bình thường, chỉ cần điều chỉnh cho thích hợp. Đồng thời, phụ huynh không nên thay đổi thường xuyên lớp học cho con, khiến trẻ phải mất thời gian làm quen lại với bạn bè mới.
Ngoài ra, theo các BS, việc phụ huynh cho con học quá sớm cũng khiến trẻ sợ đi học. Khi đó, trẻ chưa đủ “năng lực” tư duy, nhận thức, kỹ năng xử lý phù hợp với chương trình học nên cảm thấy khó theo kịp, bị bạn bè chế giễu, dần dần trở nên ghét đi học. Nếu tình trạng này kéo dài, đến khi trẻ vào lớp 1, chắc chắn sẽ mắc bệnh “sợ đi học”. Ở các nước trên thế giới, trẻ học lớp 1 khi đủ 7 tuổi nhưng tại Việt Nam, nhiều trẻ mới 3 tuổi đã bị “ép đến lớp”. Nhiều trẻ mới biết nói đã học tiếng Anh, mới năm tuổi đã học lớp 1. Trong khi đó, khoa học đã chỉ rõ trọng lượng não bộ của trẻ lúc ba tuổi chỉ đạt 85% so với người trưởng thành, chỉ đến khi 6 tuổi mới đạt 100% như người lớn.
BS Thái Thanh Thủy lưu ý phụ huynh ngoài sự quan tâm đến việc học hành hãy chú ý đến các mối quan hệ của con ở trường, vì tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều. Việc khiếp sợ trước những hành vi – thái độ bạo lực diễn ra trước mắt thường xuyên, liên tục cũng là nguyên nhân khiến trẻ sợ đi học. Bên cạnh bạo lực từ học sinh với nhau, còn do chính thái độ cư xử của giáo viên cũng có thể làm trẻ khiếp sợ. BV Nhi Đồng 2 từng điều trị cho những trường hợp học sinh sợ đến lớp chỉ vì chứng kiến bạn bị phạt. Do đó, trước khi để trẻ đi học, phụ huynh cần có thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhất là khi trẻ bắt đầu vào mẫu giáo, lớp 1.
Để trẻ tự tin đến lớp
Ngay từ lúc trẻ hai tuổi, mẹ phải tập tách rời con dần dần, đặc biệt khi trẻ biết đi đứng, ngồi chơi một mình, cha mẹ chỉ cần quan sát cách vài mét để con “tự lập”. Đây chính là cách để con không khóc nhè, sợ hãi khi thay đổi môi trường sống. Cuối tuần, cha mẹ nên dẫn trẻ đến những nơi đông người để trẻ làm quen với môi trường xã hội như: công viên, siêu thị, trung tâm thương mại… Ngoài ra, trước khi cho trẻ đi học, phụ huynh nên chở trẻ ngang qua trường sẽ học. Ngày khai giảng, phụ huynh giới thiệu cô giáo, các bạn cho trẻ, để trẻ có cảm giác ở trường như ở nhà. Ngày khai trường, có thể rủ các trẻ khác chung xóm, sẽ học chung một trường cùng nhau đến dự khai giảng. BS Phạm Ngọc Thanh – Trưởng Đơn vị Tâm lý,
BV Nhi Đồng I TPHCM Vài tuần trước khi đi học, phụ huynh nên tập cho bé thời gian sinh hoạt giống như ở trường. Để trẻ an tâm đi học, cha mẹ phải trò chuyện với bé về năm học mới, giải thích vì sao phải đến trường, xây dựng viễn cảnh cô giáo, bạn bè cho trẻ hào hứng. Phụ huynh dạy cho trẻ cách tự mặc áo, vệ sinh, mua cho bé những cuốn sách, cây viết mới để tạo cho trẻ tâm trạng hào hứng, yên tâm khi đến lớp. Đích thân cha mẹ, ông bà phải đưa bé đến trường mới vài lần trước ngày khai giảng để bé tự tin. Tối trẻ về, phải hỏi han và chia sẻ những suy nghĩ của con về buổi học đầu tiên.
BS Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý,
BV Nhi Đồng II TPHCM |
Theo Văn Thanh
(Phụ Nữ TPHCM)
Bình luận (0)