Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nhiều triển vọng tăng cường gắn kết Đại học – Doanh nghiệp tại Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đây là những tín hiệu tích cực từ Hội thảo khoa học “Thực trạng mối gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam” do Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức sáng nay 23/8/2019.

Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Minh Tuấn và bà Nguyễn Thu Hà – đại diện Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT), ông Đặng Văn Huấn – Thư ký Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TSKH. Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng HUTECH, gần 20 trường đại học khu vực phía Nam cùng hơn 30 doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đến vấn đề gắn kết đại học – doanh nghiệp và phát triển chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời đại 4.0. Hội thảo cũng là một phần của đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu Luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam” do HUTECH chủ trì thực hiện.

TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng HUTECH phát biểu mở đầu Hội thảo

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, Hội thảo “Thực trạng mối gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam” trình bày 10 tham luận xoay quanh vấn đề kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp; soi chiếu, đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ như trường đại học, nhà tuyển dụng, cơ quan quản lý nhà nước…, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm củng cố quan hệ này, qua đó phát triển mô hình đại học định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại Việt Nam.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển

Cụ thể, những vấn đề nổi bật được thảo luận tại Hội thảo là thực trạng chính sách, cơ chế phục vụ cho mô hình hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, thực trạng gắn kết đại học – doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực theo chức danh tuyển dụng, đào tạo theo chuẩn mực của hiệp định thương mại đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, kinh nghiệm triển khai hợp tác của các trường đại học và các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đào tạo chủ chốt,…

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Phó Giám đốc khối Quản trị nguồn nhân lực, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trình bày tham luận về vấn đề gắn kết đại học – doanh nghiệp theo chức danh tuyển dụng

Bà  Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp (JESC)

Là một trong những trường đại học tiên phong thực hiện hợp tác đại học – doanh nghiệp và được xã hội đánh giá cao, HUTECH chia sẻ tại Hội thảo một số vấn đề về thực trạng, kết quả và kinh nghiệm hợp tác đại học – doanh nghiệp trong đào tạo các ngành Công nghệ thông tin và Quản trị du lịch – Nhà hàng – Khách sạn – những ngành có nhu cầu nhân lực hàng đầu hiện nay.

PGS.TS. Võ Đình Bảy – Trưởng khoa Công nghệ thông tin HUTECH

Kết nối doanh nghiệp tại HUTECH được triển khai ngay trong quá trình đào tạo – “đưa doanh nghiệp vào trường” thông qua hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, mời doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy một số học phần phù hợp, tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, tổ chức các Học kỳ doanh nghiệp, hợp tác với các doanh nghiệp triển khai nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ…; qua đó củng cố kiến thức, tăng cường trải nghiệm thực tiễn, giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc ngay sau khi ra trường.

PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng – Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn HUTECH. Khoa là đơn vị tiên phong thực hiện mô hình Học kỳ doanh nghiệp trong đào tạo nhóm ngành này.

Được biết, Hội thảo “Thực trạng mối gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam” và đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu Luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam” do GS.TSKH. Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng HUTECH – làm chủ nhiệm đề tài, HUTECH chủ trì thực hiện với sự phối hợp của Vụ Giáo dục Đại học, trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Công ty TNHH Cung ứng nguồn nhân lực và Đầu tư giáo dục đào tạo ISL và Công ty TNHH Tư vấn chất lượng VJQC; dự kiến triển khai từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2020. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 – “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, hướng đến góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức tại Việt Nam trước yêu cầu hội nhập.

T.D.V

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)