Liên tục trong các ngày vừa qua, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM có nhiều buổi khảo sát về “công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đào tạo nghề”. Trước thực tế, các trung tâm dạy nghề (TTDN) ngày một xuống cấp về cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị lạc hậu, đa số giáo viên chỉ là thỉnh giảng… nhiều đại biểu đặt vấn đề: Cơ quan chủ quản Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã gần như “đem con bỏ chợ” hệ thống các TTDN này… Vì vậy nhiều TTDN cùng chịu cảnh “sống” lay lắt qua ngày…
Đồ dùng dạy học trong phòng thực hành của TTDN Q.11 bụi bám đầy vì đã lâu không có học viên lui tới |
… Bị bỏ chợ nên phải tự bơi
Giám đốc TTDN quận 11, ông Đặng Minh Tuấn cho biết: “Mặc dù trong nhiều năm qua, TTDN quận có được đầu tư một số trang thiết bị, máy móc mới phục vụ cho nhu cầu học tập của học viên nhưng số lượng học viên đăng ký ở các khóa học sơ cấp bị giảm sút trầm trọng. 6 tháng đầu năm 2010 TT chỉ tuyển dụng được trên 300 học viên, so với năm 2009 giảm tới 75%”. Khảo sát thực tế cho thấy, cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ việc học và thực hành của học viên quá sơ sài. Theo quan sát của chúng tôi, tại lớp sửa chữa xe máy những phương tiện học tập của học viên chỉ có vài lốc xe gắn máy cũ kỹ. Còn ở lớp dạy vi tính, máy móc cũng lạc hậu không kém.
Bà Ngọc Anh bức xúc: “Đại biểu HĐND TP đến giám sát tại Trường TC Du lịch Sài Gòn mới tá hỏa. Quy mô đào tạo của trường trên 1.500 học viên, giảng viên đến từ một số khách sạn bốn, năm sao giảng dạy (như mì ăn liền). Hướng dẫn các em nào là trải ra, phục vụ, lễ tân… như thế nào? Sau đó hai đến ba tháng sau bắt đầu ra làm hướng dẫn viên. Nhưng khi hỏi số học viên đó, có bao nhiêu em tốt nghiệp thì hiệu trưởng không trả lời được và sau đó thì “nhỏ nhẹ” khoảng 30% tốt nghiệp, với lí do số còn lại chưa đủ chuẩn. Thật sự, thà là như vậy để mừng cho Sở LĐ-TB-XH cũng như ngành giáo dục đã quản lý việc cấp bằng chặt chẽ, chứ nếu không cấp vô tội vạ thì… chưa biết chuyện gì xảy ra”. |
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP cho rằng: Không thu hút được học viên vào học, nguyên nhân chính là các TTDN (trong đó có TTDN quận 11) chưa có một cơ chế chính sách rõ ràng trong hoạt động. Một TTDN mà không có giáo viên cơ hữu, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lạc hậu… TTDN quận 11 đào tạo 13 nghề nhưng đa số đều là những nghề không còn “thịnh” trong thời buổi hiện nay. “Những nghề mà TT đang đào tạo như nghề may dân dụng chẳng hạn, hàng may sẵn được bày bán từ phố đến chợ, vậy liệu còn bao nhiêu người xác định vào tiệm để may đồ. Hoặc mô hình đào tạo theo kiểu mùa vụ như nghề “thực tập lái xe”, đây là một nghề “ảo”, biện pháp liên kết đào tạo lái xe hiện nay của TT là thỉnh giảng giáo viên và cơ chế chi trả tiền lương như thế nào? Lưu lượng học viên được Sở GTVT cho phép mình đào tạo là bao nhiêu? Đầu ra có đáp ứng được quy định của Tổng cục Dạy nghề hiện nay về nghề lái xe hay là chỉ chắp vá nó để có thêm phần thu nhập cho TT, trong khi các TT đều hoàn toàn thụ động về sân bãi…???” – bà Ngọc Anh bức xúc đặt vấn đề.
5 năm trước kêu khó, 5 năm sau tiếp tục!
PGS-TS Lê Văn Trung (thành viên đoàn) đặt câu hỏi: “Để thu hút học viên, điều này phụ thuộc vào sự năng động của ban giám đốc TT, các ngành nghề mà TT đào tạo có gắn với thực tiễn nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa? Sở LĐ-TB-XH đã có động thái nào giúp các TTDN hay chưa? Hay tất cả phó mặc cho các TT này? Nếu mà như vậy, hiệu suất đào tạo của các TT đạt được sẽ rất khiêm tốn!”. Ông Phan Cẩm Vinh (thành viên đoàn) nhấn mạnh: “Sở LĐ-TB-XH đã và đang đầu tư mở ra rất nhiều TT xúc tiến việc làm, với mục đích giúp cho các doanh nghiệp và người lao động “xích lại gần nhau”. Thực tế cho thấy, đó chỉ là bề nổi, vì sau những ngày hội xúc tiến việc làm được tổ chức “hoành tráng” các doanh nghiệp chỉ biết “kêu trời” khi người lao động đến xét tuyển thì nhiều, nhưng tuyển dụng không được bao nhiêu. Đây chính là nút thắt đòi hỏi những bên có liên quan phải định hướng như thế nào trong công tác đào tạo nghề”. Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH thừa nhận: “TP.HCM có lợi thế về đào tạo nghề mà không phải địa phương nào cũng có được đó là hệ thống cơ sở dạy nghề được phủ kín ở các quận, huyện. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở dạy nghề có uy tín, cơ sở vật chất tốt lại tập trung ở các quận nội thành. Còn phần lớn các cơ sở dạy nghề quận, huyện đang trong tình trạng cơ sở vật chất yếu kém, trang thiết bị lạc hậu, trình độ giáo viên hạn chế. Năng lực đào tạo thì không thiếu nhưng chất lượng đào tạo là vấn đề cần xem lại. Một số cơ sở dạy nghề thụ động ngồi chờ học viên đến đăng ký chứ không chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sau đào tạo. Mặt khác, các doanh nghiệp không có kế hoạch nhân sự lâu dài, không bắt tay cùng cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo theo nhu cầu của họ nên khi thiếu lao động mới rao tuyển. Nhiều lao động qua đào tạo chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề cần lao động có tay nghề không tuyển đủ nhân lực trong khi các trường nghề vẫn thiếu học viên. Về góc độ của các TTDN công lập (được thành lập từ năm 1985) hiện đang gặp những vướng mắc về chủ trương, quản lý nhà nước. Các ngành nghề mà một số TTDN hiện nay đang đào tạo, thực ra không phải là những nghề đáp ứng thực tế… Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM Trần Thị Ngọc Anh thẳng thắn: “Nếu nói vậy thì chúng tôi không đồng tình, bởi cách đây 5 năm khi đoàn giám sát xuống các TTDN này cũng được chia sẻ những khó khăn như hiện nay. Vậy, 5 năm vừa qua Sở LĐ-TB-XH không có một động thái, cơ chế, chính sách nào giúp các TTDN này phát triển hay sao!? Các quận, huyện sẵn sàng đầu tư cho các TTDN với những khoản tiền rất lớn (cụ thể như trong năm 2010 TTDN quận 11 sẽ được đầu tư trên 10 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học) mà đội ngũ sử dụng nó bị lệ thuộc như hiện nay, thì sự đầu tư này có cần thiết không?”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)