Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều trường CĐ không “nới” chỉ tiêu tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo quy chế mới được Bộ LĐ-TB&XH ban hành, hiệu trưởng các trường CĐ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Đến nay, một số trường cho biết chỉ tuyển bằng, thậm chí ít hơn năm ngoái.

Học sinh lắng nghe thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ 2017 do các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM tư vấn

“Nới” chưa chắc tuyển đủ

Ông Nguyễn Duy Tiến (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM) cho biết năm nay trường vẫn duy trì 2 phương thức xét tuyển như các năm trước: xét điểm thi THPT quốc gia và xét học bạ ở 4 khối A, A1, B, D1. Tuy nhiên, năm nay trường có 2 điều chỉnh, thứ nhất thời gian xét học bạ bắt đầu từ ngày 1-3 cho đến thời điểm kết thúc thi THPT quốc gia. Thứ hai, trường giảm bớt 200 chỉ tiêu, chỉ xét 2.200 chỉ tiêu so với con số 2.400 của năm 2016 và con số 2.500 của năm 2015. Theo ông Tiến, số lượng chỉ tiêu giảm rơi vào nhóm ngành kinh tế, thực tế từ năm trước, số lượng người học cùng với giảng viên giảng dạy nhóm ngành này cũng đã có sự thuyên giảm rồi.

Tương tự, tại Trường CĐ Bách Việt, Phó Hiệu trưởng Trần Mạnh Thành cho hay, năm nay trường cũng xét bằng kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT với 2.200 chỉ tiêu, giảm 100 chỉ tiêu so với năm trước. Lý giải việc không nới rộng thêm chỉ tiêu, ông Thành cho rằng, dù trường có tăng thêm chỉ tiêu thì chưa chắc đã tuyển đủ. Trong khi đó, nếu tuyển quá năng lực đội ngũ giảng viên sau này trường sẽ gặp khó khăn trong công tác hậu kiểm.

Cũng giữ nguyên mức chỉ tiêu tương đương năm 2016, nhưng ông Lê Sĩ Hải (Giám đốc điều hành Trường CĐ Vạn Xuân) chia sẻ: “Sau thông tư mới của Bộ LĐ-TB&XH về quy chế tuyển sinh năm 2017, trường có điều chỉnh một số chuyên ngành để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường lao động, chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh được phân thành các chuyên ngành quản trị nhân sự, quản trị doanh nghiệp thủy sản…”.

Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cũng thông tin, năm 2017, trường sẽ chỉ tuyển sinh bằng phương thức duy nhất là xét kết quả học tập phổ thông thay vì xét cả kết quả thi THPT quốc gia như các năm. Thời gian xét tuyển bắt đầu từ ngày 1-6.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong năm 2017 vẫn tiếp tục tuyển sinh 300 chỉ tiêu hệ CĐ với 2 phương thức: Xét kết quả thi THPT quốc gia các khối A, A1, B, D1 với mức từ 10 điểm và xét học bạ THPT với điểm trung bình năm lớp 12 từ 5 trở lên. Đặc biệt, ngành công nghệ chế biến thủy sản có triển khai chương trình đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp và sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ 50%  học phí.

Các trường tiếp tục khó khăn?

ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, quy chế tuyển sinh mới ban hành đã khá “mở” cho các trường CĐ trong công tác tuyển sinh, các trường dựa vào năng lực đào tạo để xác định chỉ tiêu. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp và phân luồng đào tạo ngay từ khi các em học THPT chưa được tốt. Đồng thời, với việc không sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh của hệ ĐH và CĐ (trừ CĐ sư phạm) dẫn đến những khó khăn trong khâu xét tuyển của hệ CĐ. Trong khi thực tế, nhu cầu nhân lực hệ CĐ hiện đang rất cao.

Cùng mối tâm tư, ông Nguyễn Duy Tiến đặt vấn đề, khi các trường CĐ không sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh của hệ ĐH, ngay từ đầu, mặc dù không giới hạn nguyện vọng, thí sinh vẫn sẽ chỉ đăng ký xét vào các trường ĐH mà không chú ý đến CĐ.

Để thu hút thí sinh xét tuyển vào trường CĐ, ông Tiến cho hay, trường phải tăng cường gặp gỡ, tương tác với học sinh các trường THPT và trực tiếp hướng dẫn các em phương thức đăng ký. Và thay vì chỉ đi đến những khu vực tuyển sinh thế mạnh của mình thì năm nay trường mở rộng đi tư vấn, tiếp cận học sinh ra 22 tỉnh/thành, kể cả phía Bắc.

Tuy thời gian tuyển sinh có thể được thực hiện nhiều lần trong năm nhưng ông Lê Sĩ Hải đánh giá, kinh nghiệm các năm cho thấy càng về cuối, nguồn tuyển càng hạn hẹp. Thậm chí, có nhiều trường đến tháng 9, tháng 10 đã không còn tuyển được do những năm gần đây, các em phần nào xác định được năng lực của mình và có lựa chọn từ sớm. Chưa kể, việc kéo dài thời gian tuyển sinh gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức lớp, tổ chức đào tạo.

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Thành nêu thực tế, các em học sinh thường xác định và tập trung lựa chọn ngành nghề trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10. Đến tháng 11, cơ bản nguồn tuyển đã cạn. Trong khi nếu dàn trải xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến khâu tổ chức đào tạo.

Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)