Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Nhiều trường châu Á tăng học phí với du học sinh sau hàng chục năm giữ nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.

Sinh viên ĐH Hồng Kông trong lễ vinh danh cá nhân xuất sắc hồi tháng 4. Đây cũng là một trong những ngôi trường sẽ tăng học phí từ năm tới. THE UNIVERSITY OF HONG KONG

Tăng học phí từ 17,6-20%

Tờ South China Morning Post cuối tháng 6 đưa tin, giới chức Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết học phí tại các trường ĐH quốc lập ở địa phương này sẽ tăng thêm 2.400 HKD (7,8 triệu đồng) vào năm 2025, và thêm 2.500 HKD (8,1 triệu đồng) trong mỗi năm tiếp theo cho đến 2028. Mức tăng học phí tổng cộng là 17,6%, từ 42.100 HKD lên 49.500 HKD/năm (160 triệu đồng) từ năm học 2027-2028, áp dụng với mọi bậc đào tạo, nghiên cứu.

Trước động thái này, ít nhất 5 trường ĐH tại Hồng Kông cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho du học sinh có nhu cầu. Còn nhà lập pháp Lau Chi-pang, đại diện ĐH Lĩnh Nam, nhận định mức tăng khó trở thành "gánh nặng lớn" với sinh viên vì các bạn có thể làm thêm công việc bán thời gian. "Nếu làm việc bán thời gian trong khuôn viên trường, sinh viên có thể nhận mức lương thấp nhất là 60-65 HKD/giờ", ông cho hay.

Theo chuyên trang giáo dục quốc tế Times Higher Education, đây là lần đầu tiên sau 27 năm Hồng Kông quyết định tăng học phí. Chính quyền sở tại nói chính sách này nhằm đáp ứng chi phí đào tạo thực tế, và cũng để đảm bảo tình hình tài chính của ngành giáo dục ĐH sẽ phát triển bền vững trong bối cảnh dân số giảm. Trước đó, Hồng Kông cũng cho phép các trường tuyển sinh người nước ngoài nhiều gấp đôi so với quy định cũ.

Nhật Bản hồi tháng 3 quyết định dỡ mức trần học phí với du học sinh tại 86 trường ĐH quốc gia, cho phép các trường tăng học phí với mức tối đa là 20%. Động thái này nhằm cải thiện trải nghiệm học tập cho du học sinh và khuyến khích các trường cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho nhóm này. Như vậy, các trường có thể tăng tối đa 642.960 JPY/năm (103 triệu đồng) theo quy định mới trong bối cảnh chi phí tăng vọt, đồng yên mất giá.


Sinh viên ĐH Tokyo biểu tình hồi đầu tháng 6 để phản đối việc tăng học phí. CHỤP MÀN HÌNH NHK

Tuy nhiên, điều này vấp phải không ít chỉ trích từ sinh viên. Đài NHK giữa tháng 6 đưa tin, ĐH Tokyo hàng đầu Nhật Bản là ngôi trường tiếp theo dự kiến tăng học phí từ năm 2025, sau 20 năm kể từ khi thành lập. Đáp lại, khoảng 400 sinh viên tổ chức biểu tình ở trường trong khi những người khác nêu bức xúc với giới truyền thông địa phương, tất cả nhằm kêu gọi hủy bỏ đề xuất tăng học phí.

Có trường tăng đến 54%

Anh Kyuseok Kim, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Hàn Quốc, bình luận trên chuyên trang khoa học East Asia Forum rằng không chỉ Nhật Bản, các trường ĐH công lập và tư thục tại Hàn Quốc cũng đang bắt đầu tăng học phí trở lại sau gần 15 năm giữ nguyên theo yêu cầu của chính phủ. Từ năm 2023, 26 trường ĐH tư thục quyết định tăng học phí "trong tình trạng tuyệt vọng", chính thức áp dụng từ năm 2024.

"Một số trường đã phải áp dụng các chiến lược như tăng học phí với du học sinh và học viên sau ĐH, nhóm đối tượng thường bị bỏ qua trong cuộc tranh luận về chính sách học phí. Tuy nhiên, việc tuyển thêm du học sinh để tăng doanh thu cũng dẫn đến một số hệ quả tiêu cực như tăng tỷ lệ cư trú bất hợp pháp", anh Kim quan ngại.

Theo nam nghiên cứu sinh, bối cảnh giáo dục ĐH ở Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng. Trong đó, các trường đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính phủ chứ không có nhiều quyền tự chủ như các trường phương Tây. Ngoài ra, 2 quốc gia cũng đang trải qua tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm và số học sinh chọn học ĐH ngày càng ít.

"Tăng học phí có thể cải thiện chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng nhưng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục ĐH của sinh viên có thu nhập thấp. Giữ học phí ổn định đảm bảo khả năng tiếp cận lớn hơn nhưng có nguy cơ gây căng thẳng tài chính cho các trường ĐH, từ đó có nguy cơ dẫn đến suy giảm chất lượng giáo dục và tính cạnh tranh", anh Kim phân tích.

Ở bậc phổ thông, Bộ Giáo dục Singapore từ đầu năm nay đã bắt đầu tăng học phí trường công lập với hai nhóm là thường trú nhân và du học sinh. Cụ thể, mức tăng dao động từ 25-60 SGD/tháng (khoảng 472.000 đồng – 1,1 triệu đồng) với thường trú nhân, và 25-140 SGD/tháng (khoảng 472.000 đồng – 2,6 triệu đồng) với du học sinh, áp dụng trong 3 năm đến 2026, theo đài CNA.

Trước đó, từ năm học 2023-2024, nhiều ĐH công lập ở Trung Quốc cũng chọn tăng học phí, với mức tăng đột biến từ 10-54%. Theo Reuters, các trường này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ từ nhà nước, song ngân sách quốc gia cho giáo dục ĐH bị cắt giảm và các địa phương thì thắt chặt tài chính hậu Covid-19. Thế nên, tăng học phí là biện pháp khả dĩ và với không ít trường, đây là lần đầu họ tăng học phí sau hơn 20 năm.

Theo Ngọc Long/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)