Đến thời điểm này sắp kết thúc học kỳ I năm học 2022-2023, song nhiều trường học tại TP.HCM vẫn gặp hàng loạt khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các trường tự vượt khó bằng nhiều cách thức khi thực hiện chương trình mới
Chưa có đồ dùng dạy học lớp 7
Trong buổi làm việc của Sở GD-ĐT TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 88, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây, nhiều trường THCS trên địa bàn Q.1 cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo chương trình mới. Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du) chia sẻ, khó khăn trước tiên khi thực hiện chương trình mới tại trường là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lớp 7. Tính đến thời điểm này, dù sắp kết thúc học kỳ I song thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 7 vẫn chưa có, do chưa được cấp kinh phí mua sắm. Ngoài ra còn khó khăn về định biên giáo viên khi chương trình mới có tăng số tiết, có xuất hiện nhiều môn học mới song tỷ lệ biên chế định biên giáo viên vẫn theo chương trình cũ. “Thời gian đầu khi thực hiện chương trình mới cần sự tuyên truyền tích cực đến phụ huynh về một số định hướng mới như sách giáo khoa, đánh giá học sinh, sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến để có sự đồng thuận trong hoạt động giáo dục. Đặc biệt, diện tích sân chơi nhỏ không đảm bảo về diện tích sân chơi tính trên đầu học sinh theo quy định cũng làm hạn chế các hoạt động của học sinh, việc không có nhà thi đấu đa năng cũng gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể dục thể thao”, cô Trang cho biết thêm.
Tương tự, để phục vụ tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng chương trình mới, Trường THCS Đức Trí cũng đã đề xuất trang thiết bị, cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị dạy học năm 2021 từ nguồn kinh phí đầu tư của UBND Q.1, song thầy Trương Quốc Hưng (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, công tác mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 6, lớp 7 còn chậm; đến nay trang thiết bị dạy học lớp 7 vẫn chưa có… Một khó khăn nữa, theo thầy Hưng, đó là trường còn thiếu giáo viên thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình mới bao gồm giáo viên các môn tích hợp, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Cạnh đó, nội dung chương trình môn khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý là nội dung tích hợp trong khi giáo viên được đào tạo đơn môn nên cần có sự đầu tư cao về chuyên môn, cần có thời gian để đúc kết kinh nghiệm. Nhiều giáo viên lo lắng khi chương trình cuốn chiếu dần đến lớp 8, lớp 9 thì có thể sẽ không đủ khả năng để dạy tốt.
Tự tìm cách khắc phục
Trước những khó khăn trên, thầy Trương Quốc Hưng cho hay, nhà trường đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có để điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có, xác định nhu cầu sửa chữa, cải tạo phòng học… đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình mới. Đặc biệt, nhà trường tiến hành bổ sung cơ sở vật chất, cải tạo phòng chức năng tối thiểu, đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, động viên khuyến khích, khen thưởng hợp lý giáo viên thực hiện giảng dạy các môn tích hợp… “Để giáo viên và học sinh thực hiện chương trình lớp 7 đạt chất lượng cao nhất thì thiết bị dạy học, tài liệu giáo dục địa phương cần có sớm. Sở GD-ĐT TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học chuẩn bị tốt nguồn giáo viên cho những bộ môn còn thiếu, có kiến nghị tăng thu nhập cho đội ngũ giáo viên, chú trọng vị trí nhân viên phụ trách công nghệ thông tin để quá trình số hóa trường học được thực hiện có hiệu quả”, thầy Hưng kiến nghị.
Theo đánh giá, trường học vẫn gặp hàng loạt khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dù năm học 2022-2023 sắp hết học kỳ I
Về phía Trường THCS Nguyễn Du, cô Nguyễn Đoan Trang cho hay, nhà trường đang tận dụng trang thiết bị cũ, tận dụng nền tảng công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học lớp 7. Với khó khăn về định biên giáo viên, nhà trường phân công giáo viên kiêm nhiệm phụ trách các môn học mới. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh thêm khó khăn là giáo viên cho rằng không có chuyên môn sâu, thiếu tự tin đứng lớp, một số giáo viên cảm thấy bị ép buộc khiến nhà trường phải liên tục giải thích, thuyết phục…
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, một trong những khó khăn lớn mà thành phố đang gặp phải khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là áp lực tăng dân số cơ học. Tỷ lệ phòng học/10 ngàn dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trong giai đoạn 2015 đến 2025 đã tăng từ 247 phòng (năm 2015) lên 293 phòng (năm 2021). Năm 2022, ước tính đạt cả năm là 294 phòng học. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ đạt 300 phòng học/10 ngàn dân. Tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu thành phố tăng dần qua các năm học. Năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu thành phố là 343.894 em, chiếm 21,26% tổng số học sinh trên địa bàn. Thêm vào đó, cơ sở vật chất hiện nay chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, còn nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học chính khóa của học sinh, đặc biệt là thiếu giáo viên thực hiện chương trình mới. “Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định. Riêng đối với HĐND và UBND TP.HCM, ngành giáo dục kiến nghị tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm học tiếp theo”, ông Quốc cho hay.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)