Từ đầu tháng 3, nhiều trường ĐH chính thức khởi động tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh theo phương thức xét học bạ.
Phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tại một trường đại học tư thục vào sáng 2.3. ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo phương thức tuyển sinh dự kiến các trường đã công bố, phương thức xét học bạ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chỉ tiêu năm nay của nhiều trường. Nộp hồ sơ xét tuyển khi học sinh lớp 12 mới chỉ học xong học kỳ 1, thí sinh (TS) cần lưu ý gì?
Cả trường công cũng nhận hồ sơ sớm
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021. Dù vậy nhiều trường ĐH phía nam đã bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ với các mốc thời gian khác nhau kể từ đầu tháng 3 này.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vừa thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH chính quy bằng hình thức xét kết quả học tập bậc THPT. Đây là 1 trong 4 phương thức tuyển sinh của trường năm nay, áp dụng cho khoảng 40% chỉ tiêu các ngành tại cơ sở chính TP.HCM (tổng chỉ tiêu dự kiến gần 4.900).
Cụ thể, trường xét kết quả học tập của 5 học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) với học sinh đã tốt nghiệp, có điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 6 trở lên…
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển phương thức này từ 1.3. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ở đợt đầu tiên này trường nhận hồ sơ đến hết ngày 25.4 và dự kiến xét tuyển khoảng 40% chỉ tiêu (tương đương 1.400 TS). TS nộp hồ sơ cần có điểm trung bình cộng các môn theo tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 trở lên.
Nhiều trường ĐH tư thục cũng khởi động hoạt động tương tự từ ngày đầu tiên của tháng 3. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển phương thức này dựa vào kết quả 5 học kỳ và tổ hợp 3 môn lớp 12 (khoảng 30% chỉ tiêu năm nay). TS xét điểm 3 môn lớp 12 cần đạt từ 18 điểm trở lên, phương thức điểm 5 học kỳ cần có tổng điểm trung bình từ 30 trở lên (trừ học kỳ 2 lớp 12). Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng xét tuyển 50 ngành theo kết quả học bạ. TS được chọn 1 trong 2 cách để nộp hồ sơ: tổng điểm trung bình 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 (cả 2 cách TS đều đạt từ 18 điểm trở lên trừ khối ngành sức khỏe đạt thêm các yêu cầu học lực theo quy định chung).
Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn… cũng bắt đầu xét học bạ từ ngày 1.3.
Thí sinh cần lưu ý gì khi nộp hồ sơ ?
Việc nộp hồ sơ xét tuyển ở giai đoạn này khi chưa có điểm học kỳ 2 lớp 12 và kết quả xét tốt nghiệp nên có nhiều điều TS cần lưu ý.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, đầu tiên TS cần lưu ý là các mốc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từng trường không giống nhau. Bên cạnh đó, cùng xét học bạ nhưng năm nay các trường có xu hướng mở rộng ra nhiều cách dựa vào các cách tính điểm khác nhau. Vì vậy TS cần lưu ý chọn cách tính điểm có lợi nhất cho mình.
TS nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, nếu đủ điểm trúng tuyển vào trường thì chỉ mới đạt điều kiện cần. Chỉ khi nào TS có giấy báo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (hoặc bằng tốt nghiệp THPT những năm trước tùy quy định của từng trường) mới đủ điều kiện trúng tuyển. Vì vậy, trong giai đoạn này, các trường được phép nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ.
Ngoài ra, những học sinh chưa có học bạ hoặc chưa đủ điểm xét trong đợt này có thể tham gia các đợt tiếp theo. “Ngay cả với những TS có học bạ tham gia xét tuyển đợt này, trường cũng chỉ xét đủ điều kiện chứ chưa trúng tuyển chính thức và nhập học. Trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển và nhập học chính thức cùng với đợt xét tuyển dựa vào học bạ lớp 12”, thạc sĩ Sơn cho hay.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Những năm gần đây các trường ĐH có xu hướng xét tuyển đa phương thức. Do vậy người học nên tận dụng nhiều cơ hội khác nhau để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất”, tiến sĩ Lý khuyên.
Còn tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, bổ sung: “Từ ngày 1.3 trường nhận đăng ký xét tuyển điểm học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 cho tất cả TS. Trong đó, TS tốt nghiệp từ năm 2020 trở về trước có thể chọn xét điểm học bạ năm lớp 12”. Ông Hải lưu ý với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe lưu ý thêm điều kiện học lực theo quy định chính thức của Bộ áp dụng cho năm 2021…
Thí sinh không có CMND có được dự thi đánh giá năng lực ?
Trước thông tin một số TS chưa thể đăng ký tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vì thiếu CMND, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã có thông tin giải đáp về việc này. Theo tiến sĩ Chính, TS cần phải có CMND, căn cước công dân hoặc hộ chiếu để đăng ký và dự thi. Việc này nhằm chứng minh nhân thân một cách chặt chẽ để tránh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Do vậy, TS có thể sử dụng một trong 3 giấy tờ trên để dự thi. Trong trường hợp không có các giấy tờ đã nêu, TS vẫn còn cơ hội ở đợt thi thứ 2.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)