Ngày 3-10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân ban hành chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm giáo dục ĐH năm học 2008-2009, nêu rõ đề án học phí mới khi Chính phủ ban hành sẽ thực hiện vào quý IV/2008. Tuy nhiên, trước đó nhiều trường đã “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Một người mẹ từ Bình Thuận dắt con đi đăng ký nhập học vào một trường CĐ ngoài công lập tại TPHCM. Bà chỉ xin đóng học phí tạm cho con là 500.000 đồng, nhưng vét hết túi vẫn còn thiếu 20.000 đồng. Sau khi được một người tặng 20.000 đồng, bà mừng lắm nhưng vẫn chưa thể làm thủ tục nhập học được vì còn thiếu các khoản tiền lệ phí nhập học, đồng phục, bảo hiểm…
Học phí tăng… dựng đứng
Khoản thu học phí tạm tại một trường CĐ như vậy, nhưng tại các trường ĐH thì phụ huynh phải cầm bạc triệu mới có thể làm thủ tục nhập học cho con. Tại Trường ĐH Văn Hiến, tân sinh viên H., quê Đắk Lắk, vừa đóng tiền học xong là gọi điện về nhà xin “viện trợ” gấp, vì số tiền em đem theo đã hết sạch, tiền ăn cũng không còn. H. cho biết em dự trù học phí theo mức cũ nhưng năm nay trường tăng thêm 500.000 đồng/học kỳ.
Tại Trường ĐH Hồng Bàng, nhóm ngành có mức học phí thấp nhất cũng lên đến 6,98 triệu đồng/năm (công nghệ, điện – điện tử). Đa số các ngành có mức học phí từ 8,98 – 9,98 triệu đồng/năm, tăng 1 triệu đồng so với năm ngoái. Riêng 2 ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học có học phí “vượt trội”, lần lượt là: 11,98 triệu và 13,98 triệu đồng/năm. Nhiều ngành học của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đều có học phí tăng 1 triệu đồng so với năm ngoái. Học phí ngành thấp nhất cũng từ 4 triệu đồng/học kỳ trở lên.
Theo khảo sát của chúng tôi, năm nay nhiều ngành của các trường ĐH ngoài công lập tăng học phí ở mức phổ biến là 1 triệu đồng/năm. Gần đây, học phí tại các trường ngoài công lập mỗi năm đều có “nhích” lên một chút, nhưng thông thường chỉ vào khoảng 200.000 đồng – 300.000 đồng/năm. Riêng năm nay, học phí đã tăng quá cao. Điều hiếm có trong các năm trước là năm nay nhiều trường còn mạnh dạn đưa ra mức thu trên 10 triệu đồng/năm cho các ngành học mang tính đặc thù, như “đón gió” tinh thần đề án học phí mới.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng, việc tăng học phí là do chi phí đào tạo gia tăng (trả lương giáo viên, thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị…). Theo nhiều hiệu trưởng khác, mức lương trả cho giáo viên đã tăng vài chục phần trăm, chi phí thuê mặt bằng cũng tăng lên gấp nhiều lần trong thời gian qua…
Trường công cũng… “đón gió”
Một số trường ĐH, CĐ công lập cũng đã tăng học phí trong năm học này, như ĐH Công nghiệp TPHCM tăng 30%… Theo giải thích của các trường, mức thu theo Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ, không quá 1,8 triệu đồng/năm đối với hệ ĐH và không quá 1,5 triệu đồng/năm đối với hệ CĐ, khiến các trường không đủ chi phí để đào tạo, phải bù lỗ cao. Hơn nữa, trong tình hình cạnh tranh thu hút giảng viên có học hàm, học vị, nếu không có chế độ ưu đãi sẽ khó lòng giữ được người giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.
Cũng nhằm nâng cao chất lượng trong tình hình này, vài năm nay nhiều trường ĐH như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Mở TPHCM… đã mở hệ đào tạo chất lượng cao theo hướng cung cấp dịch vụ chất lượng cao (phòng học có máy lạnh, giáo viên giỏi, học trên trang thiết bị hiện đại…) và thu học phí cao gấp nhiều lần so với mức thông thường. Các trường này đã “đón gió” phương hướng đổi mới thu học phí: “Đối với các chương trình chất lượng cao, ngoài phần ngân sách chi, phần còn lại do người học đóng góp để có chất lượng cao”.
Tuy nhiên, khung học phí mới đang chờ Chính phủ ban hành vẫn chưa được “hé lộ” bất cứ con số cụ thể nào. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, dự kiến, mức học phí ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thu theo tỉ lệ 6% so với thu nhập bình quân từng hộ gia đình theo từng địa phương. Học phí đối với đào tạo nghề, TCCN, CĐ và ĐH thu bảo đảm cho chi phí thường xuyên đào tạo theo các nhóm ngành. Học phí chương trình đào tạo đại trà sẽ có mức hợp lý để phần lớn sinh viên có thể theo học…
Vậy, các trường đã dựa trên cơ sở pháp lý nào để tăng học phí? Giả sử, sắp tới mức học phí mới được ban hành quy định mức thu thấp hơn mức trường đã thu thì sẽ “ăn nói” thế nào với thí sinh, phụ huynh và dư luận?
Câu hỏi lớn: Chất lượng!.- Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2006, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục ĐH là 4.883 tỉ đồng, chiếm 8,91% tổng chi ngân sách Nhà nước cho các cấp học và trình độ đào tạo. Tổng thu học phí của các cơ sở đào tạo ước đạt 1.839 tỉ đồng (bao gồm học phí ĐH, CĐ), nguồn học phí chiếm 27,4% tổng nguồn thu tài chính của giáo dục ĐH công lập. Cũng theo Bộ GD-ĐT, ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH tăng các năm qua, nhưng phần tăng thêm chủ yếu là để cải thiện tiền lương. Chi lương và các khoản phụ cấp theo lương thường chiếm từ 50%-60% tổng chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ. Với mức chi này, hằng năm các trường vẫn thiếu hụt kinh phí mua tài liệu, dụng cụ học tập, thí nghiệm, thực tập, chi bảo dưỡng cơ sở vật chất ở mức tối thiểu, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy…
Dưới góc độ khác, báo cáo của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), một cơ quan hoạt động độc lập của Mỹ (dự án “Những quan sát về giáo dục ĐH trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử – viễn thông, vật lý tại một số trường ĐH Việt Nam”) đã chỉ ra những hạn chế trong giáo dục ĐH: Các phương pháp giảng dạy kém hiệu quả: diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ một cách máy móc, giao ít bài tập về nhà, ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên; nội dung môn học đã lỗi thời, ít dạy về nguyên lý, nhấn mạnh quá nhiều vào kiến thức dữ kiện và kỹ năng…
Như vậy, có thể hiểu tăng học phí sẽ góp phần tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đào tạo hiện nay có thể thấy nếu chỉ tăng học phí thì vẫn chưa đủ. Các trường phải nhanh chóng đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy… như khuyến cáo của các tổ chức nước ngoài mới mong nâng cao chất lượng giáo dục ĐH như kỳ vọng.
Từ tháng 2-2009, công khai chất lượng đào tạo Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2008 – 2009 vừa được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành ngày 3-10. Theo đó, đề án học phí mới sẽ được thực hiện vào quý IV/2008, khi Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, thực hiện chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm bảo đảm sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên nghèo có khả năng học tập đều được đi học. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển giáo dục ĐH ngoài công lập. Chỉ thị cũng nêu rõ việc đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước, gắn liền với tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng tài chính của cơ sở giáo dục ĐH. Thực hiện giao trần ngân sách 3 năm. Phân bổ ngân sách nghiên cứu khoa học theo tiêu chí năng lực nghiên cứu phục vụ nhu cầu xã hội, ứng dụng thực tiễn của kết quả nghiên cứu, thị trường hóa các kết quả nghiên cứu của các trường. Khuyến khích trường ĐH tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ. Phê duyệt phương án học phí của các chương trình đào tạo chất lượng cao. Từ tháng 2-2009, các cơ sở đào tạo (không phân biệt công lập và tư thục) thực hiện cơ chế 3 công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá: Công khai chất lượng đào tạo, công khai nguồn lực đào tạo, công khai chi tiêu tài chính của cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng kinh phí giáo dục đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện kiểm toán tài chính hằng năm. |
Bình luận (0)