Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều trường ĐH chật vật tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay, trong khi đa số các trường ĐH đã dừng công việc tuyển sinh để bắt đầu năm học mới, thì vẫn còn những trường thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 với hàng trăm chỉ tiêu.

Đáng chú ý là tình trạng này diễn ra ở nhóm các trường công lập, một số ngành thí sinh (TS) trúng tuyển chỉ lác đác.

Một số ngành chỉ tuyển được 1 thí sinh

Ngày 26.9, Trường ĐH Tây Nguyên công bố kết quả xét tuyển bổ sung đợt 3. Toàn đợt có 63 TS trúng tuyển, rất thấp so với tổng gần 450 chỉ tiêu cần tuyển. Một số ngành chỉ tuyển được 1 TS, rất thấp so với chỉ tiêu cần tuyển như: lâm sinh tuyển được 1/45 chỉ tiêu cần tuyển, công nghệ sinh học tuyển 1/45 chỉ tiêu, kinh tế nông nghiệp tuyển được 1/30 chỉ tiêu, công nghệ thực phẩm 1/25… Tính chung, sau 3 đợt xét tuyển, dù Trường ĐH Tây Nguyên có trên 2.000 TS trúng tuyển nhưng một số ngành tỷ lệ này rất thấp như: lâm sinh 9 TS trúng tuyển/45 chỉ tiêu, chăn nuôi 11 TS/55 chỉ tiêu, công nghệ sinh học 18 TS/55 chỉ tiêu…

Nhiều trường ĐH chật vật tuyển sinh  - Ảnh 1.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học kỳ tuyển sinh năm nay. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong đợt tuyển sinh đầu tiên, Trường ĐH Phú Yên tuyển được 280 TS theo phương thức xét học bạ và 80 TS theo điểm thi tốt nghiệp (trong khi tổng chỉ tiêu tuyển được công bố trong đề án tuyển sinh là 560). Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trường không xét tuyển các ngành ngoài sư phạm. Ở đợt xét tuyển bổ sung, trường chỉ tuyển cho các ngành ngoài sư phạm, trong đó một số ngành tuyển 30 – 40 chỉ tiêu. Đáng chú ý, mức điểm nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ THPT các ngành chỉ 16,5 điểm cho tổng điểm cả năm lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển 3 môn (tức trung bình 5,5 điểm/môn gồm điểm ưu tiên).

Gần cuối tháng 9, Trường ĐH Bạc Liêu cũng ban hành thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 với 261 chỉ tiêu cho 11 ngành gồm cả phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Một số ngành cần tuyển thêm từ 20 chỉ tiêu gồm: khoa học môi trường, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, chăn nuôi, bảo vệ thực vật… Nhìn vào chỉ tiêu của đợt xét tuyển bổ sung này so với tổng chỉ tiêu cần tuyển có thể thấy, một số ngành mới tuyển đạt khoảng gần 50% (khoa học môi trường, chăn nuôi mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu). Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Bạc Liêu là 745 sinh viên. Một số ngành chỉ tiêu tuyển 50 nhưng kết thúc đợt 1 rất ít TS nhập học như: bảo vệ thực vật chỉ có 6 TS, khoa học môi trường 10 TS…

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 dựa trên điểm học bạ THPT với TS đã tốt nghiệp từ năm 2017 đến nay. Ở đợt này, trường thông báo tuyển 115 chỉ tiêu cho 3 ngành: bất động sản, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường.

Nhiều trường ĐH chật vật tuyển sinh - Ảnh 2.

Nhiều trường đến cuối tháng 9 sẽ kết thúc kỳ tuyển sinh năm nay. ĐÀO NGỌC THẠCH

Thiếu chỉ tiêu ở nhóm ngành khó tuyển

Kết quả tuyển sinh của các trường ĐH đến thời điểm này cho thấy thực tế chung là những ngành tuyển không đủ chỉ tiêu tập trung vào nhóm ngành khó tuyển, ít TS lựa chọn những năm gần đây. Vì vậy, dù kết quả tuyển sinh toàn trường năm nay tốt hơn so với các năm trước nhưng vẫn vướng ở những ngành khó tuyển. Trường hợp Trường ĐH Phú Yên là một ví dụ.

Theo tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên, hiện nhà trường đã kết thúc đợt xét tuyển bổ sung lần thứ 3 của năm nay. Tổng kết các đợt xét tuyển, trường tuyển đạt khoảng 70% chỉ tiêu đề ra. Kết quả này được đánh giá là tốt hơn so với những năm trước đây do các ngành sư phạm đều tuyển đạt 100% chỉ tiêu. Đáng chú ý, năm nay ngành ngôn ngữ Anh cũng có nhiều TS đăng ký. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trọng Đăng, trường phải xét tuyển bổ sung lần 3 cho nhóm ngành ngoài sư phạm. Ở đợt thứ 3 này, trường chỉ nhận được 7 hồ sơ. Một số ngành TS nhập học ở mức thấp như: nông nghiệp 7 TS, Việt Nam học 11 TS.

4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất

Theo số liệu tổng kết tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, có đến 64/330 trường tuyển sinh yếu kém (tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu). Đáng chú ý, Bộ đã nêu ra 4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội.

Cụ thể, năm 2022 nhóm nông lâm thủy sản tuyển được 49,1% chỉ tiêu; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43% và dịch vụ xã hội 61,36%.

So với năm 2021, các nhóm ngành này tuyển sinh khó hơn khi nông lâm thủy sản giảm hơn 13%, dịch vụ xã hội giảm 6%. Ngoài 4 nhóm ngành này, nhiều nhóm ngành khác cũng có tỷ lệ tuyển sinh rất thấp như: môi trường và bảo vệ môi trường, dịch vụ vận tải, toán và thống kê…

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trung, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Tĩnh, cũng cho biết trường chưa tuyển được 50% tổng chỉ tiêu và vẫn đang tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 3. "Có 2 ngành trường chắc chắn không thể mở lớp do không có TS trúng tuyển gồm: khoa học cây trồng và khoa học môi trường", thạc sĩ Trung thông tin thêm.

Không chỉ trường địa phương, ngay tại TP.HCM cũng có những trường công lập đào tạo khối ngành đặc thù luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh. PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết năm nay trường chỉ tuyển được khoảng 70% tổng chỉ tiêu. Trong đó, ngành quản lý tài nguyên biển đảo chỉ tuyển được lác đác vài TS. Ngành quản lý tài nguyên nước tuyển được trên 10 TS, trong khi ngành kỹ thuật tài nguyên nước trường phải dừng tuyển sinh do khó tuyển. Với xu hướng đào tạo xuyên – liên ngành, dù ít sinh viên nhưng các lớp này vẫn được tổ chức để duy trì ngành học.

"Sự khó khăn này của trường nằm trong bối cảnh chung của các trường cùng đào tạo khối ngành về tài nguyên môi trường của cả nước. Nguyên nhân trực tiếp là do lựa chọn của người học. Nhưng nguyên nhân sâu xa do chưa có sự phối hợp của cơ quan trung ương và địa phương trong dự báo nguồn nhân lực để người học có định hướng trong chọn ngành", PGS Huỳnh Quyền nhìn nhận.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)