Căn cứ trên quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ GD-ĐT, các trường đại học đã chốt phương án chính thức năm 2020. So với những công bố trước đó, cách thức tuyển sinh của nhiều trường có sự thay đổi cơ bản.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ tại một trường ĐH ở TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Có thể nói 2020 là năm đặc biệt khi các trường ĐH phải liên tục đưa ra những dự tính tuyển sinh khác nhau để phù hợp với sự thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính từ kế hoạch dự kiến được công bố lần đầu cuối năm 2019, đến nay nhiều trường đã có ít nhất 3 lần điều chỉnh.
Tăng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa hoàn tất đề án tuyển sinh, trong đó điều chỉnh mạnh chỉ tiêu các phương thức. Đáng chú ý trong 4 phương thức được công bố, chỉ tiêu dành cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp áp dụng tối đa 50% tất cả ngành đại trà và chất lượng cao (trước đó dự kiến chỉ dành 30%).
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết việc xét tuyển dựa vào kết quả thi này vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Bên cạnh đó trường bổ sung phương thức xét học bạ, xét điểm thi năng lực để giảm áp lực cho người học. Trường ĐH này sẽ dành từ 50 – 60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, 10 – 15% điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu còn lại cho xét tuyển học bạ, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho biết sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển như năm ngoái. Cụ thể gồm: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ và xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức có sự điều chỉnh phù hợp. “Dự kiến trường sẽ dành ít nhất 50% tổng chỉ tiêu để xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. So với năm ngoái giảm khoảng 10%”, tiến sĩ Hạ khẳng định.
Một số trường ĐH khối ngành y dược cũng cho biết sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay như: Y Dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y Dược Cần Thơ…
Tăng chỉ tiêu phương thức khác
Trong khi đó, một số trường có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm kỳ thi chung và tăng chỉ tiêu các phương thức khác.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết năm nay trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ, xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, xét thí sinh người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài.
So với năm ngoái, chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp của trường này giảm còn 30 – 50% chỉ tiêu (thay vì 50 – 70% chỉ tiêu như mọi năm), tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết sẽ áp dụng 4 phương thức tuyển cho các ngành đào tạo tại TP.HCM. Trong đó, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40% (năm 2019 trường này công bố tuyển 70 – 90% chỉ tiêu điểm kỳ thi THPT quốc gia). Ngược lại, trường này điều chỉnh chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ (khoảng 30%), xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM (tăng lên 20%) và bổ sung xét tuyển thẳng 10%.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết trường dành 40% tổng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp (năm ngoái lên tới 80%). Bên cạnh đó có 40% chỉ tiêu xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn; 10% xét điểm bài thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; 10% xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ và xét học sinh xếp loại giỏi các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.
Theo phương án điều chỉnh vừa công bố, Trường ĐH Tài chính – Marketing có 3 phương thức tuyển. Trong đó, trường này dành tối đa tới 60% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ và chỉ dành tối đa 25% cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp. Đáng chú ý là sự điều chỉnh ở phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực với khoảng 15% tổng chỉ tiêu từ kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Công bố luôn “sàn” xét tuyển
Trong khi đó, một số trường ĐH đã công bố luôn ngưỡng đảm bảo đầu vào tối thiểu (điểm sàn) cho từng phương thức xét tuyển.
Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trường vừa chốt lại phương án tuyển sinh chính thức cho năm nay có nhiều điểm mới.
Trường không áp dụng xét tuyển học bạ và ưu tiên xét tuyển với các ngành đại trà, trường sẽ xét tuyển theo 2 phương thức: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp và điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM (thay vì dành 100% chỉ tiêu các ngành đại trà để xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến ban đầu).
Đồng thời, trường công bố luôn ngưỡng điểm nhận hồ sơ với từng phương thức. Cụ thể, trường chỉ nhận học sinh có điểm kỳ thi tốt nghiệp từ 16 trở lên (tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển) và học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 với điểm bài thi từ 750 trở lên.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng công bố điểm tối thiểu nhận hồ sơ với phương thức xét học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12). Theo đó, điểm trung bình 3 môn với học sinh trường THPT chuyên từ 6 trở lên, trường tốp 200 từ 6,5 trở lên và trường còn lại từ 7 trở lên.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)