Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng hàng ngàn thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau. Đặc biệt, có trường đã nhận hàng chục ngàn nguyện vọng chỉ riêng phương thức xét học bạ.
Thí sinh tham gia xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2020. ĐÀO NGỌC THẠCH
Năm nay, chỉ tiêu nhiều trường dành cho các phương thức xét học bạ, điểm thi năng lực và ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng khá lớn, trên dưới 50% tổng chỉ tiêu.
Những ngành nào đang hút thí sinh ?
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (tương đương trên 3.000 thí sinh – TS). Theo tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên trường này, đến thời điểm hiện tại trường đã nhận được trên 32.000 nguyện vọng đăng ký. Trong đó, ngành được TS quan tâm nhiều nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 2.500 nguyện vọng. Kế đến, ngành thu hút nhiều nguyện vọng vẫn là công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô… Tuy nhiên, theo ông Thưởng, một số ngành hiện hồ sơ đăng ký còn thấp như: thiết kế thời trang, quản lý và vận hành hạ tầng…
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng dành tới 40% chỉ tiêu , tương đương khoảng 1.400 TS. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, kết thúc đợt 1 trường đã nhận được trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, một số ngành nhận được nhiều hồ sơ (khoảng 500 hồ sơ/ngành) như: quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, du lịch và lữ hành… Một số ngành nhận được trên 200 hồ sơ gồm: điện tử, cơ khí, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin trường mới bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ giữa tháng 4 cho đồng thời các phương thức: xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển. Trong số các hồ sơ trường đã nhận có khoảng 1.000 hồ sơ từ phương thức xét học bạ, 1.000 hồ sơ xét điểm thi năng lực và gần 600 ưu tiên xét tuyển.
Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng nhận được khoảng 5.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng học bạ (tổng chỉ tiêu xét tuyển phương thức này khoảng 1.500). Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, các ngành đang có xu hướng hút nhiều TS năm nay liên quan đến khối quản trị, kinh tế, marketing và truyền thông.
Khi nào xét thí sinh trúng tuyển ?
Mỗi trường có những quy định khác nhau về cách thức nộp hồ sơ xét tuyển cho phương thức xét tuyển riêng. Trong đó, một số trường quy định chỉ nhận hồ sơ xét tuyển một đợt.
Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận hồ sơ xét học bạ đến hết ngày 15.6, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng chỉ nhận hồ sơ các phương thức học bạ, điểm thi năng lực và ưu tiên xét tuyển chung 1 đợt kéo dài hết ngày 15.7. Trường ĐH Việt Đức cũng chỉ nhận hồ sơ phương thức xét điểm học tập THPT trong 1 đợt, kéo dài đến hết ngày 20.6.
Trong khi đó nhiều trường kết thúc đợt 1 và đang nhận các đợt kế tiếp.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hiện đã kết thúc đợt 1 của hình thức xét tuyển kết quả học bạ 5 học kỳ với gần 1.000 hồ sơ nộp về. Trường chính thức triển khai nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2. Riêng xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, trường dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này và dự kiến nhận hồ sơ đến 30.7 (hiện nhận được khoảng 150 hồ sơ).
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh trường ĐH này, cho biết: “Sau khi kết thúc từng đợt xét tuyển trường chỉ thông báo tới các TS đủ điều kiện xét tuyển dựa vào điểm học bạ. TS trúng tuyển chính thức phải chờ hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và xác nhận nhập học khi TS có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời theo quy chế tuyển sinh hiện hành”.
Nhiều trường bắt đầu nhận hồ sơ từ tháng 5
Một số trường hiện mới bắt đầu triển khai nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức riêng. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết dự kiến ngày 24.5 trường mới bắt đầu nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ. Trường ĐH Tài chính – Marketing bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 4.5.
Các đơn vị thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM mới bắt đầu triển khai nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực từ ngày 4.5, kéo dài hết 15.6. Với phương thức ưu tiên xét tuyển, ĐH này nhận hồ sơ từ 15.5 – 15.6.
|
Trình phương án thuê trực thăng vận chuyển đề thi ra đảo Phú Quý
Trả lời PV Thanh Niên sáng 10.5, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho biết 2 năm trở lại đây, phụ huynh và cả chính quyền trên đảo Phú Quý đều có nguyện vọng được tổ chức điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia ngay tại đảo. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân trên đảo. Với phương châm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và nhân văn, lấy quyền lợi của TS là trung tâm, nên Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức điểm thi trên đảo Phú Quý.
Do đặc thù của vị trí địa lý, đảo Phú Quý cách xa bờ tới 56 hải lý, đi lại khó khăn. Vào mùa thi khí hậu bất thường, xảy ra sóng to, gió lớn. Do đó hiện nay Sở đã trình UBND tỉnh phương án thuê trực thăng vận chuyển đề thi ra đảo. “Hiện Sở đã liên hệ với công ty bay dịch vụ. Mỗi lượt bay ra đảo Phú Quý kinh phí khoảng 350 triệu đồng/lượt. Hiện phương án đã trình UBND tỉnh nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng”, ông Thái nói.
Quế Hà
|
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hiện cũng đã kết thúc nhận hồ sơ đợt 1 và chuẩn bị nhận hồ sơ đợt 2 phương thức xét học bạ dựa vào kết quả học tập lớp 12. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, trường sẽ công bố điểm dự kiến trúng tuyển dựa vào điểm học bạ. Điểm trúng tuyển chính thức trường sẽ công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với mặt bằng hồ sơ đã nộp, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, điểm dự kiến trúng tuyển cho phương thức học bạ đợt 1 của một số ngành có thể cao hơn điểm nhận hồ sơ (18 điểm) từ 4 – 6 điểm với các ngành nhiều TS nộp hồ sơ. So với điểm chuẩn phương thức xét học bạ các ngành này năm 2020, điểm dự kiến trúng tuyển các ngành này cũng cao hơn từ 0,5 – 1 điểm. Các ngành còn lại điểm dự kiến trúng tuyển tương đương năm 2020.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)