Phụ huynh học sinh nhiều trường phổ thông ở Hà Nội phải đóng tiền mua máy chiếu trị giá vài chục triệu đồng, để trang bị cho lớp học của con em mình.
Tiết học viết dùng cả máy chiếu và bảng truyền thống tại lớp 1E Trường tiểu học Trung Tự . Ảnh: Quý Hiên |
Miễn cưỡng
Hiện nay, năm trong tổng số sáu lớp 1 của Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) có máy chiếu, Phần lớn cha mẹ học sinh lớp 1B không đồng ý mua máy chiếu, nên một phụ huynh bỏ tiền túi mua tặng cả lớp.
Lớp duy nhất chưa mua máy chiếu là 1G, sẽ sớm xem xét việc này. "Một số phụ huynh lớp tôi đề nghị mua, nhưng tôi hẹn sẽ bàn bạc để triển khai trong cuộc họp phụ huynh tiếp theo", cô giáo chủ nhiệm lớp 1G nói.
Một phụ huynh học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trung Tự cho rằng, mua máy chiếu đắt tiền (45 triệu đồng, theo gợi ý của giáo viên chủ nhiệm) phục vụ học sinh lớp 1 là lãng phí. Cũng theo vị phụ huynh này, cách đặt vấn đề của giáo viên không hợp lý: cha mẹ học sinh bỏ tiền ra mua, cô giáo sử dụng, nhưng nếu hỏng thì phụ huynh đến sửa.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự, khẳng định: "Nhà trường không có chủ trương trang bị máy chiếu cho từng lớp. Nếu tất cả phụ huynh tự nguyện mua thì họ tự đóng tiền, tự mua, tự thỏa thuận với cô giáo về việc quản lý, sử dụng tài sản, nhà trường không dính dáng gì tới việc này".
Theo bà Điệp, hôm họp phụ huynh học sinh khối lớp 1, phần lớn cô giáo chủ nhiệm mượn máy chiếu của trường để trình diễn nên nhiều ông bố, bà mẹ hào hứng với việc mua máy chiếu cho lớp của con mình.
Những năm học trước, cha mẹ học sinh ở nhiều trường phổ thông khác như Trường Tiểu học Thành Công A, Trường Tiểu học Khương Thượng, Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Trường THPT Phạm Hồng Thái… cũng góp tiền mua máy chiếu.
" Mỗi phụ huynh đóng 800.000 đồng tưởng là nhỏ, nhưng gộp lại toàn trường, rồi nhiều trường, khoản tiền thu được rất lớn" – Một phụ huynh |
Một phụ huynh học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thành Công A, cho biết: "Hồi con tôi vào lớp 1, chỉ học sinh lớp chọn mới bị vận động mua máy chiếu, điều hòa. Về sau, phụ huynh những lớp còn lại thấy tội con, đành rút hầu bao để lớp con mình bằng bạn bằng bè".
Với cách làm trên, việc tự nguyện đóng tiền mua máy lạnh, máy chiếu ở nhiều trường đã thành nếp. Một phụ huynh học sinh ở khu tập thể Trường Đại học Giao thông Vận tải, định năm nay cho con học lớp 1 Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) đã phải bỏ trường đúng tuyến này khi thấy trường mở lớp học đầu tư, theo đó mỗi phụ huynh phải đóng chi phí ban đầu 2 triệu đồng.
"Tôi không muốn đóng tiền vì thấy mô hình lớp đầu tư là không cần thiết. Nhưng không đóng tiền thì tội con vì bị phân biệt lớp con nhà giàu, lớp con nhà nghèo", vị phụ huynh này chia sẻ.
Bức xúc
Nhiều phụ huynh nói rằng, họ có điều kiện và thiện chí đóng thêm tiền giúp trường cải thiện cơ sở vật chất, nhưng không hài lòng với cách làm của nhà trường: không trình bày dự án đầu tư, cho giáo viên chủ nhiệm đứng ra thu tiền nhưng nói rằng đó là việc của ban đại diện cha mẹ học sinh…
Một phụ huynh học sinh lớp 12D4 Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình), bức xúc: "Tổng số tiền đóng góp của phụ huynh riêng cho khoản máy chiếu là hàng trăm triệu đồng mỗi trường. Lẽ ra, với một khoản đầu tư như thế, phía kêu gọi vốn đầu tư phải có dự án và thuyết trình sao cho phụ huynh thấy có thể chấp nhận. Đằng này chẳng có gì hết mà phụ huynh vẫn phải móc túi ra đóng góp".
Năm ngoái, phụ huynh học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái nộp tiền mua 21 bộ máy chiếu trị giá gần 390 triệu đồng lắp cho 21 phòng học. Theo một số giáo viên dạy tiếng Anh ở trường, tính đến đầu năm học này, khoảng 8 bộ máy chiếu đã hỏng.
"Số máy chiếu chưa bị hỏng cũng thường trục trặc nên để chắc ăn, cứ đến tiết cần sử dụng máy chiếu, nhiều giáo viên trong tổ ngoại ngữ của tôi đăng ký sử dụng phòng đa chức năng của nhà trường. Vì vậy, máy chiếu lắp các phòng học gần như trong tình trạng đắp chiếu", một giáo viên nói.
Không ít người cho rằng, đầu tư cho máy chiếu nhiều khi chưa thực sự cần thiết, trong khi chỗ ăn, chỗ ngủ của học sinh còn thiếu thốn, tạm bợ.
Một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trung Tự, nói: "Mang tiếng là con học ở trường chuẩn quốc gia mà lớp nào cũng 55 – 60 học sinh. Buổi trưa, các cháu phải ngả bàn ra ngủ, điều kiện cơ sở vật chất nhìn chung là tạm bợ, nhếch nhác, chật chội. Tại sao trường không có những dự án đầu tư giãn sĩ số, cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập của các cháu, mà cứ phải nhăm nhăm lớp nào cũng có máy chiếu?
Hơn nữa, nhiều phụ huynh không muốn máy chiếu bị lạm dụng, nhất là với học sinh lớp 1. Họ muốn cô giáo dành nhiều thời gian đến gần từng học sinh để sửa tư thế ngồi, sửa cách cầm bút cho từng em, chứ không phải đứng một chỗ nói qua micro và trình diễn máy chiếu. Nên đầu tư cái gì đó ra tấm ra miếng thì tốt hơn".
Quý Hiên / TPO
Bình luận (0)