Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhiều trường học chìm trong nước

Tạp Chí Giáo Dục

Nước lũ do triều cường gây ngập nặng tại Trường TH Tầm Vu (Bình Thạnh) tối 8-11

Liên tục trong những ngày qua, do mưa to cộng triều cường dâng cao nhiều khu vực tại TP.HCM bị ngập nặng. Trong đó, không chỉ người dân sống tại các quận ven và huyện ngoại thành như Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi… bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong sinh hoạt mà thầy trò tại các trường cũng vất vả chống chọi với ngập lụt…
Trở tay không kịp
Theo ghi nhận của chúng tôi, tối 8-11 chỉ một cơn mưa nhẹ kết hợp cùng triều cường, đã khiến nhiều tuyến đường thuộc phường 25, 26, 27 và 28 thuộc quận Bình Thạnh, nhà dân bị ngập sâu trong nước, nhiều nơi ngập cục bộ đến hơn 1m nước. Tình trạng này đã làm ách tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường từ nội thành đi ra Thủ Đức, Bình Dương. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường đi từ Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng ra cầu Bình Triệu 1 và 2, toàn bộ phương tiện và người dân bị kẹt lại hàng giờ đồng hồ mới di chuyển được.
Có mặt tại Trường Tiểu học Tầm Vu (phường 26, Bình Thạnh) nước từ ngoài sông dâng tràn vô trường từng đợt ào ạt. Bên hông trường, một số hộ dân đã dự phòng bao cát từ trước nhưng đến khi nước dâng cao và chảy siết quá đành đứng nhìn nước tràn vô nhà. Hì hụi chồng giữ máy bơm, vợ tát nước từ trong nhà ra đường, anh Hai (ngụ phường 26, Bình Thạnh) cho biết: “Tôi kê được tủ lạnh, ti vi và mấy cái quạt lên cao thì nước đã dâng đến đầu gối, đồ đạc trôi lềnh bềnh trong nhà. Cũng may là di chuyển người già và em nhỏ trong nhà qua chỗ người quen, chứ còn ở lại không biết tối nay xoay trở ra sao”. Theo anh Hai, những năm trước cũng có tình trạng ngập nước do triều cường nhưng lần này ngập nhanh và nặng nhất. Thầy Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đa (phường 27, Bình Thạnh) cho biết: “Đang ở nhà thì bảo vệ gọi điện cho biết nước từ ngoài tràn vô trường và hiện đã ngập tới cửa các phòng học. Ngay từ chiều qua, sau khi nắm được dự báo về thời tiết nhà trường đã chủ động di chuyển đồ dùng, trang thiết bị dạy học lên lầu 2, số bàn ghế còn trong phòng học thì không thể di chuyển được. Vào sáng 9-11 tuy khuôn viên của trường còn ngập nước nhưng rất may là không ảnh hưởng tới chuyện dạy và học”.
Sau cơn mưa như trút nước, toàn bộ khuôn viên Trường THCS Phan Công Hớn (Hóc Môn) nước ngập quá đầu gối. Không chỉ vậy, mưa từ cống và ngoài đường lớn ào ạt tuôn vào trường, kèm theo mùi hôi, thối… Thầy Nguyễn Công Sơn – Hiệu trưởng bức xúc: “Trường tôi khi trời mưa, nước ở ngoài tràn vào là không tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề này đã được nhà trường thông báo và kiến nghị nhưng không được hồi âm. Không những vậy, đợt triều cường này quá lớn khiến tất cả trang thiết bị dạy học của trường không thể đem ra hoặc di chuyển vì trường đã xuống cấp”. Theo ghi nhận, đến trưa 9-11, tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức nước mới chỉ rút được một phần, nhà cửa người dân hư hại, vật dụng máy móc thiết bị điện tử dùng trong gia đình bị hư hỏng nặng. Phụ huynh đưa con tới học nhiều em bị ướt hết quần áo, sách vở do bị té xe hoặc do xe lớn chạy qua làm nước bắn lên.
Thống nhất đầu mối chống ngập
Tại một số xã ven sông Sài Gòn ở huyện Củ Chi cũng không tránh khỏi đợt triều cường cực lớn này. Thầy Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: “Đây là đợt triều cường lớn nhất trong nhiều năm qua, khiến một số trường học trên địa bàn huyện bị ngập. Trong đó, nặng nhất là Trường THCS Bình Hòa (Bình Mỹ) ngay khi Ban giám hiệu nhà trường thông báo trường bị ngập nước, lãnh đạo phòng đã xuống kiểm tra và báo cáo gấp về Sở GD-ĐT cũng như lãnh đạo huyện. Thầy cô và các em học sinh được nghỉ trong hai ngày 9 và 10-11, sau đó sẽ có kế hoạch học bù vào những ngày thứ bảy tới.
Tại quận 12, tình hình ngập lụt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, đi lại của người dân. Rất may, đợt triều cường lần này, một số trường học chỉ bị ngập nhẹ, mọi sinh hoạt của thầy và trò các trường vẫn diễn ra bình thường. “Triều cường làm ngập nặng một số khu vực của khu phố 2, 3 phường Thạnh Lộc nhưng cũng may nước tràn vô trường sau khoảng 30 phút thì rút hết” – thầy Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 nói.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thì từ nay đến cuối năm, TP.HCM còn phải chịu ít nhất 5 đợt triều cường nữa và trong cuộc họp khẩn cấp chiều 8-11, sau chuyến khảo sát thực tế tại một số phường ở Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 12…, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải huy động tất cả các sở ngành và toàn hệ thống chính trị để cùng chung tay ứng phó với tình trạng ngập úng do triều cường hiện nay”. Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu trong thời gian chờ các dự án lớn, Khu Đường sông khẩn trương xây dựng bờ kè dọc đường Tầm Vu; Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 khẩn trương nâng cấp đường Bình Quới để hạn chế nước ngập do triều cường. Ông Quân cũng đồng ý chủ trương cho xây dựng năm trạm kiểm soát thủy triều tại quận Thủ Đức trong năm 2011. Về lâu dài, Chủ tịch thành phố chỉ đạo giao công tác chống ngập nội – ngoại thành cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước quản lý, không cắt khúc giao cho các quận huyện, sở ngành như trước nay, đồng thời yêu cầu trung tâm chủ trì lập quy hoạch chống ngập chi tiết cho toàn địa bàn thành phố và trình UBND thành phố vào tháng 12-2010. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo các quận huyện tập trung gia cố, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao. Các nhà thầu thi công tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)