Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều trường học còn khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Giám đốc Huỳnh Công Minh trò chuyện với các bé Trường MN Hương Sen, Bình TânSáng 9-9, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non đã về Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh để tìm hiểu và giải quyết một số khó khăn của địa phương vào đầu năm học 2008-2009.

Nhiều giáo viên tiểu học phải dạy 2 lớp/ngày

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, tính đến ngày 5-9-2008, toàn huyện có 25 trường tiểu học với 21.230 học sinh. Mặc dù có tới 553 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) nhưng chỉ có 539 giáo viên (GV) chủ nhiệm, thiếu 14 GV chủ nhiệm. Trong đó có trường thiếu tới 3-5 GV, như Trường TH Vĩnh Lộc 1 thiếu 5 GV, TH Võ Văn Vân thiếu 4 GV, TH Tân Nhựt 6 thiếu 3 GV…

Nếu so với định mức 1,5 GV/lớp (trường dạy 2 buổi) của Bộ GD-ĐT quy định thì Bình Chánh thiếu gần 100 GV. Bà Võ Thị Chinh, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục Bình Chánh cho biết: “Năm học 2008-2009, Bình Chánh xin 97 GV tiểu học nhưng Sở GD-ĐT duyệt cho 67 GV. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này mới có 29 GV về trình diện, trong đó có 5 GV bỏ nhiệm sở, chỉ còn 24 GV đi dạy. Trong số 24 GV tiểu học mới về, có 2 GV môn mỹ thuật. Ngoài ra, Bình Chánh cũng xin thêm 2 GV dạy tăng cường tiếng Anh nhưng đến nay vẫn chưa có GV nào về. Mới đây, chúng tôi lại tiếp tục xin GV đợt 2, đợt này xin 57 GV. Nếu về dưới 36 GV thì giáo dục tiểu học ở Bình Chánh sẽ rất khó khăn…”.

“Năm học 2008-2009, Bình Chánh cần 98 GV mầm non, Sở duyệt 90 GV. Tuy nhiên chỉ có 78 GV trình diện và 64 người đi dạy. Bậc THCS xin 59 GV, Sở phân công 42 GV, trình diện 31 GV, bỏ 1 GV còn 30 GV đã nhận lớp và đi dạy. Giáo dục thường xuyên xin 5 GV, về 4 GV, hiện thiếu 1 GV dạy môn hóa. Đợt 2, Bình Chánh xin bổ sung thêm 5 – 7 GV mầm non, 26 – 27 GV THCS, 1 GV GDTX. Mặc dù phải xin bổ sung thêm nhưng nếu có GV về đủ thì càng tốt, ngược lại các trường vẫn có thể phân công giáo viên “choàng” được. Riêng bậc tiểu học thì không thể “choàng” nổi, bởi từ nhiều năm nay mỗi cô phải dạy 2 lớp khác nhau, một lớp buổi sáng, một lớp buổi chiều. Mới đây, Phòng Giáo dục đã sinh hoạt với các hiệu trưởng tiểu học là phải “năn nỉ” GV tiếp tục “choàng”, thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đứng lớp. Năm học trước Bình Chánh có thêm 1.600 học sinh tiểu học, năm học 2008-2009 thêm 1.800 học sinh. Với số lượng học sinh tăng nhanh như vậy nên việc thiếu GV là lẽ đương nhiên”, ông Nguyễn Minh Châu – Trưởng phòng Giáo dục Bình Chánh bức xúc.

Ông Huỳnh Công Minh cho biết: “Trong lần tuyển GV đợt 2, Sở sẽ đặc biệt quan tâm đến các quận ven và huyện ngoại thành. Song trước mắt phòng giáo dục phải khuyến khích GV cố gắng dạy “choàng”, hợp đồng với những GV không có hộ khẩu thành phố để dạy theo đúng chương trình, tránh tình trạng học sinh bị mất bài…”.

Hiệu trưởng trường công hỗ trợ cho trường tư

Tính đến tháng 9-2008, Q.Bình Tân hiện có 83 cơ sở mầm non, trong đó có 11 trường công lập, 8 trường tư thục và 64 nhóm trẻ gia đình. Các cơ sở đang nuôi dạy 10.256 cháu, trong đó công lập là 4.461 cháu.

Ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân cho biết: “Để đảm bảo chất lượng nuôi dạy tại các cơ sở MN ngoài công lập, Phòng Giáo dục đã phải cắt cử cán bộ phòng giáo dục, cán bộ quản lý các trường MN tới đây hỗ trợ chuyên môn cũng như theo dõi hoạt động. Với 72 cơ sở MN ngoài công lập nhưng chỉ có 11 trường công lập nên công việc rất cực. Trung bình mỗi hiệu trưởng trường công phải hỗ trợ cho ít nhất là 5 cơ sở ngoài công lập…”.

Cũng như Q.Bình Tân, huyện Bình Chánh có tới 69 cơ sở MN ngoài công lập. Theo đó, hiệu trưởng các trường công cứ phải “vắt chân lên cổ” vừa chạy việc “trường nhà” vừa lo việc “trường bạn”. “Công việc ở trường đã cực lắm rồi, vì có trường có tới 2 – 3 điểm lẻ. Bây giờ lại phải làm thêm việc hỗ trợ, theo dõi các cơ sở ngoài công lập. Vậy mà không có thêm bất kỳ một chế độ nào”, bà Trương Thị Kim Chọn, Phó trưởng phòng Giáo dục Bình Chánh tâm tư.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng: “Cần phải có chế độ hỗ trợ đối với hiệu trưởng các trường công. Ở nước ngoài, khi GV trường công hỗ trợ chuyên môn cho các trường tư đều được có một mức hỗ trợ tương xứng”. Và bà Thanh cũng đề nghị nguồn hỗ trợ này có thể lấy từ nguồn thu của các trường ngoài công lập…

Ông Minh cũng thống nhất với ý kiến của bà Thanh và nhấn mạnh nên làm theo quy chế của trường MN mà Bộ GD-ĐT ban hành.

Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)