Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhiều trường học đã tiếp cận chuẩn quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Huỳnh Công Minh

Trong 5 năm qua, từ năm học 2005-2006 đến nay, ngành GD-ĐT TP.HCM đã gặt hái được nhiều kết quả. Đặc biệt là năm học 2009-2010, năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm, ngành GD-ĐT thành phố đã có nhiều thành tích nổi bật. Xung quanh những thành quả này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT TP – TS. Huỳnh Công Minh.
PV: Xin Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT TP.HCM trong 5 năm qua, đặc biệt là năm học 2009-2010?
TS. Huỳnh Công Minh: GD-ĐT TP.HCM trong thời gian qua đã tập trung thực hiện những nội dung và yêu cầu theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Đó là tạo điều kiện học tập cho tất cả con em nhân dân bằng cách mở rộng mạng lưới trường lớp thu hút trẻ tới trường. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng GD-ĐT. Chất lượng GD-ĐT ở đây không chỉ dừng lại ở kết quả thi cử mà quan trọng hơn là dạy người, làm sao để nâng cao hoạt động giáo dục toàn diện hướng đến người học. Tức là thực hiện quan điểm dạy học cá thể, tạo điều kiện hoạt động cho các em học sinh.
Điều đặc biệt nổi bật trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ TP.HCM với định hướng là chủ động hội nhập và phát triển. Theo đó, ngành GD-ĐT TP đã tập trung để thực hiện nhiệm vụ này. Chính vì thế mà ngành GD-ĐT đã tổ chức xây dựng những điển hình tiên tiến, tiếp cận với chuẩn quốc tế và khu vực ở tất cả các bậc học, cấp học và các địa bàn quận, huyện.
Tóm lại, trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, GD-ĐT TP.HCM đã có những bước đi đúng hướng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Giám đốc có thể cho biết ý nghĩa của kết quả này?
Đây là kết quả nổi bật nhất của năm học vừa qua. Kết quả này đánh dấu được quá trình hoạt động kiên trì, liên tục và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT. Thành phố đạt chuẩn phổ cập bậc trung học cũng có nghĩa là trên 80% thanh niên từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Với trình độ dân trí của thế hệ trẻ như vậy đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và chắc chắn ở từng gia đình, ở từng địa bàn dân cư, kết quả này sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần văn hóa, chấp hành tốt luật pháp, đảm bảo sự an toàn, hạnh phúc trong xã hội.
Nói đến thành quả của giáo dục phổ cập bậc trung học là nói đến thành quả của hệ thống chính trị. Bởi vì đó là đúc kết từ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đến sự tham gia của ban ngành đoàn thể, rồi sự nỗ lực giáo dục của thầy cô giáo, sự động viên tạo điều kiện của từng gia đình. Và đặc biệt là sự nỗ lực của từng đối tượng phổ cập.
Trong năm học tới và những năm tiếp theo, ngành GD-ĐT TP cần phải làm gì để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, thưa Giám đốc?

Học sinh khối 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên thả bong bóng thể hiện ước mơ của mình trong lễ “Tri ân và trưởng thành”. Ảnh: Ngọc Anh

Phải nói rằng những thành quả của GD-ĐT TP trong thời gian vừa qua đã tạo một bước đi khá dài so với sự nghiệp GD-ĐT vốn có. Và những thành quả này đã khẳng định thành phố là đơn vị đi đầu về giáo dục so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, nhìn về phía trước thì những thành quả trên cũng chỉ là bước đầu, đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng hơn và chất lượng cao hơn. Cụ thể là tập trung nhân rộng những mô hình nhà trường tiên tiến để thực hiện hiệu quả và sớm nhất tinh thần Thông báo 242 của trung ương về kết luận của Bộ Chính trị phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa thời hội nhập.
Nền giáo dục tiên tiến ấy đòi hỏi nhà trường của chúng ta phải giảm sĩ số học sinh/ lớp, tăng cường thời gian học tập và thực hành cho học sinh trong nhà trường; giáo viên thì dạy học theo quan điểm sư phạm cá thể, công tác quản lý được đổi mới với một cơ chế năng động, phát huy tối đa vai trò chủ động của cơ sở và giáo viên trong quá trình dạy học đối với học sinh.
Để làm được điều đó, ngoài những công việc thường xuyên phải làm, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường tốc độ đầu tư để xây dựng trường học là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bởi vì, có xây dựng được nhiều trường thì chúng ta mới giảm được sĩ số học sinh/ lớp, tăng số lượng học sinh được học 2 buổi/ ngày; tăng cường các công trình phụ trong nhà trường để giáo dục toàn diện cho học sinh. Và đặc biệt là giải quyết được kịp thời tình trạng học sinh nhập cư tăng lên hàng năm…
Xin cám ơn Giám đốc!
Kim Anh (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)