Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều trường khổ vì sinh viên ảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều sinh viên trúng tuyển nguyện vọng 1 không nhập học đã làm đảo lộn nhiều dự tính của các trường. Nhiều trường phải thông báo xét tuyển thêm, trong khi nguồn tuyển đạt mức điểm cao đang khan hiếm dần
Tính đến ngày 11-9, chỉ có 2.228/2.750 sinh viên (SV) trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM đến làm thủ tục nhập học. Trong đó có ngành học SV nhập học chưa đạt 50%. Tại nhiều trường khác, số SV nhập học cũng không như dự tính khiến các trường phải tính toán lại chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung.
 
Sinh viên làm hồ sơ nhập học ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM      Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều ngành thiếu sinh viên
Ngành hóa học Trường ĐH Sư phạm TPHCM, số SV trúng tuyển là 164 nhưng chỉ có 79 SV nhập học, ngành sư phạm hóa 96/137, ngành toán tin 114/168, sư phạm sinh 84/121, giáo dục tiểu học 135/170, sư phạm địa 140/164, sư phạm tiếng Anh 135/159, sư phạm kỹ thuật 130/153… Nếu so với chỉ tiêu tuyển sinh các ngành trên từ 130-150 SV/ngành thì chắc chắn nhiều ngành, trường sẽ đào tạo không đủ chỉ tiêu.
ThS Huỳnh Công Ba, Trưởng Phòng Công tác Chính trị và Học sinh SV, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết nguyên nhân SV nhập học không đủ là do nhiều em thi và đỗ cùng lúc 2-3 trường nên đã chọn một trường nào đó nhập học dù đã trúng tuyển NV1 tại trường ĐH này. Ông Ba cũng cho biết sau khi xét tuyển NV2, trường gọi bổ sung 1.587 SV trúng tuyển NV2 nhập học.
Trong khi trước đó, trường thông báo xét tuyển NV2 chỉ là 1.220 chỉ tiêu, chủ yếu là các ngành ngoài sư phạm. Như vậy, dù đã gọi tăng lên hơn 300 chỉ tiêu NV2 nhưng do nhiều ngành sư phạm không tuyển NV2, cộng với việc số lượng SV nhập học không đủ, nhiều ngành sư phạm tại trường ĐH này sẽ phải chấp nhận đào tạo thiếu, không gọi bổ sung nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trong ngày nhập học đầu tiên có khoảng 2.300 SV đến làm thủ tục, trong khi số thí sinh trúng tuyển NV1 là 2.900. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác Học sinh SV của trường, cho biết phải chờ hết tháng 9 mới biết số lượng SV nhập học chính xác.
Dồn dập tuyển ngoài dự kiến
ThS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết lúc đầu, trường gọi thí sinh trúng tuyển NV1 ở mức tối đa so với chỉ tiêu tuyển sinh, thế nhưng, do không lường được việc một số ngành SV không đến nhập học đủ nên từ việc không tuyển NV bổ sung, ngày 7-9, trường phải thông báo xét tuyển 210 chỉ tiêu cho 7 ngành học (mỗi ngành 30 chỉ tiêu). Điều đáng nói là mức điểm xét tuyển NV bổ sung vào trường khá cao: từ 22,5-28,5 điểm. Theo ThS Dương, dù nguồn tuyển ở mức điểm trên thời điểm này có thể sẽ không còn dồi dào nhưng trường không thể lấy điểm xét tuyển thấp hơn NV1.
Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM từ ngày 22-8 đã có thông báo hết chỉ tiêu NV2 và không nhận hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ nữa. Tuy nhiên, sau khi SV đến làm thủ tục nhập học không như dự tính, đặc biệt, có ngành số lượng nhập học chỉ đạt 50%, trường đã phải thông báo xét tuyển tiếp 150 chỉ tiêu bổ sung hệ CĐ các ngành ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung – 70 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (80 chỉ tiêu) và 255 chỉ tiêu hệ ĐH các ngành Đông Phương học (95 chỉ tiêu), du lịch khách sạn (30 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (100 chỉ tiêu), ngoại ngữ (ngôn ngữ tiếng Trung Quốc: 30 chỉ tiêu).
Để bảo đảm công bằng trong việc xét tuyển, ThS Dương Tôn Thái Dương cho rằng việc xét tuyển NV bổ sung cần bảo đảm mức điểm tương đối ngang bằng với điểm chuẩn NV1 chứ không vì để tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm chuẩn. TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cũng cho rằng với việc bộ cho phép kéo dài thời gian xét tuyển, sau khi xét tuyển NV2, trường sẽ lường số SV ảo và sẽ tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu, tuy nhiên, điểm xét tuyển các đợt sẽ không thấp hơn điểm chuẩn NV1.
Theo NLD

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)