Trước diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh tay chân miệng (TCM), đặc biệt là nguy cơ lây lan nhanh giữa các nhóm trẻ, một số trường mầm non ở các địa phương đã phải tạm thời đóng cửa.
* Bác sĩ Lê Hoàng Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Thành phố Bạc Liêu cho biết: Liên tục từ ngày 20-21/9, ở 4 lớp khác nhau của trường Mầm non Bạc Liêu, thành phố Bạc Liêu đã xảy ra 4 ca mắc bệnh TCM , trong đó 1 ca nặng phải chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù ngành y tế thành phố Bạc Liêu đã xử lý ổ dịch, điều tra dịch tễ nhưng do lo sợ dịch bệnh lây lan ra các trẻ khác nên ngày 22/9, Ban Giám hiệu nhà trường Mầm non Bạc Liêu đã quyết định đóng cửa trường trong 10 ngày (đến hết ngày 2/10) nhằm phòng ngừa bệnh TCM cho gần 1.000 học sinh mẫu giáo và các nhóm trẻ đang theo học tại trường này.
Đây là trường mầm non thứ 2 tại thành phố Bạc Liêu và là trường thứ 3 của tỉnh Bạc Liêu phải đóng cửa trường do bệnh tay chân miệng. Trước đó, Trường mầm non Hoa Mai, thành phố Bạc Liêu cũng đóng cửa trường bảy ngày do có ba trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng và Trường mầm non thị trấn Phước Long, huyện Phước Long cũng tạm đóng cửa trường 10 ngày (từ ngày 19 đến 29-9) .
Theo thống kê của Sở Y tế Bạc Liêu, tính đến thời điểm này dịch bệnh tay chân miệng đã lan rộng ra tất cả 7/7 huyện, thành phố trong tỉnh, với hơn 500 ca mắc bệnh, có 6 trường hợp tử vong.
* Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết: kể từ ngày 22/9 nhà trường đã quyết định đóng cửa 8 lớp học tại 3 điểm trường ở các thôn 6, Tân Phú, Tân Tiến, sau khi phát hiện 6 học sinh mắc bệnh TCM và gần 20 học sinh có dấu hiệu mắc bệnh. Đây là điểm trường đầu tiên xuất hiện dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh trong năm học mới.
Trước đó, giáo viên của nhà trường đã phát hiện triệu chứng nhiều học sinh bị có biểu hiện mắc bệnh TCM nên đã nhanh chóng báo cáo cho trạm y tế xã.
Sau khi nhận tin báo của nhà trường, trạm y tế xã Đắk Ru đã cử nhân viên đến tận nhà trường để khám và phát hiện 6 học sinh mắc bệnh TCM và gần 20 học sinh có dấu hiệu mắc bệnh.
Theo bà Hà, nguyên nhân bệnh lây lan nhanh là do phụ huynh thiếu hiểu biết về bệnh tay chân miệng, nhầm lẫn với bệnh đậu mùa nên đã đưa con em mắc bệnh đến trường, làm lây lan cho các em khác.
Nhằm tránh bệnh lây lan, nhà trường đã quyết định đóng cửa cho học sinh nghỉ học 10 ngày để để trạm y tế tiến hành khử trùng bằng dung dịch Cloramin B, dọn vệ sinh, phun thuốc, lau chùi đồ dùng đồ chơi học sinh, tẩy rửa trường học để phòng chống bệnh.
Bà Trần Thị Kim Tuyển, giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 141 ca mắc bệnh TCM, trong đó cao nhất là thị xã Gia Nghĩa 37 ca, Đắk Song 27 ca, Đắk R’lấp 20 ca…chưa có trường hợp nào tử vong.
* Tại tỉnh Hậu Giang, đếnnay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 320 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 2 ca tử vong.
Đáng lo ngại là dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều trường mầm non, mẫu giáo ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A , thị xã Ngã Bảy và Thành phố Vị Thanh. Tỉnh Hậu Giang đã phải tạm đóng cửa 10 trường học, cho học sinh nghỉ học để tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trong vòng 10 ngày.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND xã, thị trấn tăng cường hỗ trợ ngành y tế, ngành giáo dục trong công tác giám sát, theo dõi dịch bệnh TCM, đặc biệt chú trọng tại các trường học. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ gia đình./.
Vy Thảo (tổng hợp)
Theo (ĐCSVN)
Bình luận (0)