Do dịch bệnh kéo dài, các trường nghề phải tư vấn, tuyển sinh theo hình thức trực tuyến nên kết quả chưa đạt như mong muốn.
Học sinh THPT tại TP.HCM tìm hiểu ngành nghề tại một ngày hội tư vấn tuyển sinh (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn ra). Ảnh: T.Tri
Một số trường kết thúc nhận hồ sơ
TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết mặc dù hoạt động quảng bá nghề nghiệp, tư vấn bằng hình thức trực tuyến nhưng kết quả tuyển sinh của trường khá khả quan. Theo đó, đến thời điểm này trường đã tuyển đạt 85% chỉ tiêu, hy vọng sẽ đạt 100% chỉ tiêu vào cuối tháng 11 tới. Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho hay đến cuối tháng 8, trường đã tuyển vượt chỉ tiêu đề ra (800/750 chỉ tiêu) nhưng vẫn lo, vì đấy là tuyển sinh online, con số chưa thật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 800 chỉ tiêu là con số thật. Trong khi đó, Hội đồng tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển tất cả các ngành từ ngày 10-10. Tương tự, Hội đồng tuyển sinh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng đã kết thúc nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh các ngành học trình độ TC-CĐ năm 2021 từ 16 giờ ngày 9-10. Đại diện một số trường nghề cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuyển sinh nghề đạt từ 70-90% đã là thành công bởi hình thức đưa học sinh và phụ huynh đến trường tham quan, tìm hiểu từng nghề không thể thực hiện được. Đây là hình thức tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất mà các trường áp dụng trước đó.
Đến hẹn lại lên, các trường nghề có uy tín không bị áp lực về chỉ tiêu, người học tự tìm đến là chính. Tuy nhiên, có không ít trường phải xoay trở bằng nhiều hình thức để tìm người học. Bên cạnh các trường tuyển sinh tốt thì vẫn còn một số trường chật vật trong tuyển sinh, nhất là các trường ngoài công lập. Ngay cả một số ngành nghề trước đó thu hút người học thì nay chỉ tuyển đạt từ 40-60%, trong khi con số này được cho là còn thay đổi. Đại diện bộ phận tuyển sinh của một trường nghề ngoài công lập thú thật: “Trong thời buổi cạnh tranh tuyển sinh không chỉ giữa các trường ĐH và CĐ, TC mà còn giữa các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Khó có thể so sánh với các trường công lập có uy tín trong đào tạo nhưng trường ngoài công lập có cơ sở vật chất tốt, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp đánh giá cao. Mỗi trường có một thế mạnh riêng ở từng ngành nghề nhưng có thể công tác truyền thông, tư vấn chưa đạt hiệu quả, thông tin đến người học còn hạn chế, do đó rất khó khăn về nguồn tuyển. Thêm nữa, do thời gian qua dịch bệnh căng thẳng, các trường chỉ có thể tư vấn, tuyển sinh trực tuyến nên có phần hạn chế.
Đẩy mạnh quảng bá giáo dục nghề nghiệp
Số trường nghề tuyển sinh đạt, vượt chỉ tiêu không nhiều, trong khi rất nhiều trường tuyển không đạt đã ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra cho cả năm 2021 của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết tính đến đầu tháng 9, con số tuyển sinh nghề rất thấp, nhất là trình độ TC chỉ đạt 27,72% (9.980/36.000 chỉ tiêu); trình độ CĐ đạt 44,06% (19.827/45.000 chỉ tiêu). Trước khó khăn trong tuyển sinh, ông Sự đề nghị các trường nghề tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh, quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp… Trong khi đó, TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết dịch Covid-19 tác động mạnh đến công tác tuyển sinh nên tổng cục đã có văn bản yêu cầu các trường nghề tăng cường truyền thông và tuyển sinh trực tuyến. Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh của trường, các đơn vị cần tập trung truyền thông các nội dung như: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp; kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia… Đặc biệt là tích cực mở rộng chuyên trang tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp định kỳ trên các báo, đài kịp thời, chất lượng và hiệu quả.
Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra chỉ tiêu tuyển 2,5 triệu học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, trình độ CĐ: 260.000 người; TC: 340.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác: 1,9 triệu người. |
Trước đó, ngày 15-10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có công văn gửi các địa phương, các trường nghề trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp hoàn thành mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Công văn nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục nghề nghiệp, công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua đã được duy trì và triển khai rộng khắp. Trong bối cảnh đó, truyền thông đã kịp thời thông tin, phản ánh những nỗ lực đóng góp của giáo dục nghề nghiệp trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hoạt động dạy và học, công tác tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp. Các trường nghề đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất các chương trình truyền thông và sử dụng những ứng dụng mạng xã hội để lan tỏa hình ảnh, thông điệp tích cực của trường và toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các sở LĐ-TB&XH, các trường nghề tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá hình ảnh về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Qua đó thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương, đối tượng người học.
T.Anh – T.Hằng
Bình luận (0)