Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều trường nghề vắng bóng thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TC nghề Khôi Việt đang thực hành pha chế tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Q. Huy

Báo cáo tình hình tuyển sinh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM ngày 12 -10 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2010, các trường nghề vẫn trong tình trạng rất “hiu hắt” thí sinh (TS). Một số trường chỉ tuyển được rải rác vài chục TS, chưa đủ chỉ tiêu mở lớp…
9 tháng tuyển được 2/3 chỉ tiêu
Thời điểm này, khi các trường ĐH – CĐ đều đã chấm dứt công tác tuyển sinh và đi vào chương trình đào tạo thì các trường CĐ – TC nghề vẫn “lặng thầm” với công cuộc tìm kiếm TS. Việc tuyển sinh càng khiến các trường lo lắng hơn khi mà vào giai đoạn nước rút, nhiều hệ đào tạo (sơ cấp nghề, khóa ngắn hạn dưới 3 tháng) tại các trường vẫn “trắng” TS cho các ngành nghề. Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn nguyên mùa tuyển sinh năm 2009 đã không tuyển được TS nào cho hệ nghề và năm nay, nguy cơ “lịch sử” sẽ lặp lại khi mà đến tận thời điểm này, trường vẫn vắng bóng người học. Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy số trường cùng rơi vào tình trạng thưa vắng TS là không ít. Điển hình như Trường CĐ nghề Kinh tế Kỹ thuật Thiện Trụ cả mùa tuyển sinh năm 2009 chỉ tuyển được 50 TS hệ CĐ nghề; và 93 TS tham gia khóa đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng); riêng hai hệ TC nghề và sơ cấp nghề vẫn ngậm ngùi với việc không có TS. Năm nay, các hệ đào tạo này tại trường tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm TS. Tương tự, Trường TC nghề Quang Trung, chưa tuyển được thí sinh hệ sơ cấp nghề. Trường TC nghề Lê Thị Riêng mới chỉ tuyển được 175 TS sơ cấp nghề; bậc TC nghề vẫn “trống” TS. Các trường mới thành lập lại càng khó khăn hơn trong việc thu hút TS. PGS.TS. Phan Quang Thái (Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Ngọc Phước) cho biết, ở khóa tuyển sinh đầu tiên này, trường mới chỉ tuyển được 32 TS cho 3 ngành nghề mới mở tại trường. Theo PGS.TS. Thái, phải tuyển được tối thiểu khoảng 200 chỉ tiêu cho cả 3 ngành mới đủ để tổ chức đào tạo. Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Thành Hiệp thống kê cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2010, toàn thành phố tuyển được khoảng 2/3 chỉ tiêu, trong đó gần 9.700 TS hệ CĐ nghề, gần 6.400 TS hệ TC nghề, khoảng 39.450 TS hệ sơ cấp nghề và 25.370 TS cho các khóa đào tạo dưới 3 tháng.
Khó đủ bề
Hiện nay, các trường hầu như khá bị động với nguồn tuyển, chủ yếu có gì tuyển nấy, được chừng nào hay chừng đó. Vấn đề cải thiện chất lượng đầu vào được nhiều trường quan tâm nhưng không phải dễ thực hiện. Hiệu trưởng Trường TC nghề Quang Trung Dương Minh Kiên nêu khó khăn, trong số hơn 460 TS trường tuyển được năm nay đã có đến 380 em tốt nghiệp THCS. Trong số vài chục em hệ THPT thì lại đến 99% rớt tốt nghiệp. Những TS đậu tốt nghiệp THPT thường đã tham gia học hệ CĐ nghề rồi. Trường TC nghề Thủ Đức cũng chung tình trạng khi có đến 80% nguồn tuyển của trường tập trung ở hệ THCS. Năm nay, Trường TC nghề Thủ Đức là một trong những trường hiếm hoi có số lượng hồ sơ đăng ký tăng lên (tăng trên 200 TS). Tuy nhiên, theo Phó hiệu trưởng Tạ Quang Sinh, việc tuyển được lượng TS ở nguồn THPT là rất khó.
Đối với những đơn vị mới thành lập, sự thiếu hụt TS khiến các trường không có đủ kinh phí đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên. PGS.TS. Phan Quang Thái (Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Ngọc Phước) cho biết, hiện số cán bộ “khung” tại trường chỉ khoảng 10 người và số thành viên này phải kiêm nhiệm rất nhiều. Với lượng TS đăng ký vào trường ít khiến trường khó mà tuyển thêm giáo viên. Thay vào đó, trường phải sử dụng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng. Ông Lê Đình Hùng (Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Củ Chi) cũng bày tỏ, các trường ngoại thành rất khó trong việc mời giáo viên thỉnh giảng từ nội thành mặc dù nhu cầu thì rất lớn, nhất là đối với những ngành hiếm giáo viên. Nguyên do là các trường ngoại thành không đủ kinh phí để trả. 
Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Trọng Sang nhấn mạnh, thời gian tới, sở cùng các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục đồng hành với các trường để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ông Sang cho biết, hiện sở đang tập trung thực hiện khảo sát “cung – cầu” lao động và sau khi hoàn thành đây sẽ là cơ sở tốt phục vụ cho công tác đào tạo của các trường. Theo đúng tiến trình, phần “cung” lao động sẽ được hoàn tất khảo sát trong năm nay (hiện quận Phú Nhuận đã cơ bản hoàn thành, trên 20 quận huyện khác cũng đã hoàn thành được khoảng 85%-90%). “Cầu” lao động dự kiến cũng sẽ hoàn tất khảo sát trong quý 2 năm tới. Theo ông Sang, với nguồn “tư liệu” này, các trường sẽ bớt lúng túng và thực hiện hiệu quả hơn công tác đào tạo theo đơn đặt hàng của xã hội.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)