Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho đại diện Trường THPT Phú Nhuận, đơn vị đã đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm qua |
Thực hiện đúng quy chế chuyên môn các môn học trong nhà trường; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, thực hành cho học sinh (HS); tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… là những vấn đề được lãnh đạo các trường THPT, phòng GD-ĐT quan tâm trong Hội nghị sơ kết công tác chuyên môn bậc trung học, học kỳ I năm học 2011-2012 được tổ chức ngày 8-2.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, bậc trung học đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong học kỳ vừa qua. Tất cả các hoạt động chuyên môn đều diễn ra theo hướng tích cực, tiếp tục khẳng định sự phát triển không ngừng về lượng và chất… Ban giám hiệu các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác theo tinh thần đổi mới quản lý, tăng cường kỷ cương chuyên môn, quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo và bồi dưỡng đội ngũ, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao vai trò trách nhiệm và chủ động về chuyên môn.
Đặc biệt, việc tăng thời lượng thực hành, hoạt động ngoại khóa lên lớp được nhiều phòng GD-ĐT, trường THPT tổ chức rất phong phú và hiệu quả. Phòng GD-ĐT Q.5 đã tổ chức hội thi “Thuyết minh di tích lịch sử” về ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm, nơi Bác Hồ từng sinh sống; huyện Củ Chi tổ chức cho HS thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức “Rung chuông vàng”… Bà Trần Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11), cho biết trường đã sáng tạo trong việc sử dụng sảnh trước của thư viện để làm phòng đọc sách cho HS với nhiều góc hoạt động lý thú như: Góc đọc, góc học, góc chơi… “Các góc đã đáp ứng được nhu cầu hoạt động của từng em, đảm bảo cho các em có cơ hội tham gia vào góc hoạt động mà mình yêu thích. Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích thích văn hóa đọc sách trong HS, giúp các em hiểu được giá trị của từng cuốn sách…”, bà Kim Anh chia sẻ. Đây là sáng kiến được lãnh đạo các trường học tán thành nhằm hạn chế thực trạng nhiều thư viện không mở cửa, thiếu đầu sách và thường tập trung nhiều giáo viên nên HS ngại vào như ở các trường học hiện nay. Còn Trường THPT Đinh Thiện Lý, công tác thực hành thí nghiệm đã được Ban giám hiệu chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập nhằm giảm tải áp lực học tập của HS. Mỗi phòng thí nghiệm đều được xây dựng riêng biệt với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của thầy và trò. Số lượng các bài thí nghiệm, thực hành tăng hơn rất nhiều so với yêu cầu trong chương trình của Bộ GD-ĐT. Trường còn thường xuyên bồi dưỡng phương pháp thực hành cho giáo viên để giờ học trở nên sinh động hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết sân chơi nghiên cứu khoa học của trường đã thu hút nhiều HS, giúp các em ứng dụng được những điều đã học vào trong sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, thiếu trang thiết bị, dụng cụ thực hành thí nghiệm cũng là một vấn đề nan giải đối với không ít trường ngoài công lập. Qua khảo sát tình hình thực tế tại các trường cho thấy: Nhiều trường ngoài công lập còn thiếu trang thiết bị, không bổ sung dụng cụ thực hành, thí nghiệm trong nhiều năm, gây khó khăn trong việc mở rộng và nâng cao kiến thức cho HS. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, sở đã có văn bản chỉ đạo các trường ngoài công lập về việc đảm bảo điều kiện dạy và học. Nếu trường nào không chấp hành nghiêm chỉnh, không đáp ứng được yêu cầu, sở sẽ rút giấy phép hoạt động đối với đơn vị đó. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL TP.HCM đưa một số môn thể thao vào nhà trường vì đây là môi trường thực hiện hiệu quả nhất các môn như bơi lội, cờ vua… Chương trình bổ túc văn hóa trong các trường THPT cũng sẽ chính thức được bỏ vì hệ thống các trung tâm GDTX sẽ đáp ứng nhu cầu này.
“Lãnh đạo các trường, phòng GD-ĐT cần sớm khắc phục những khó khăn, lắng nghe ý kiến từ giáo viên, HS, phụ huynh để sáng suốt lựa chọn phương án nhằm đưa sự nghiệp giáo dục phát triển bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)