Hiện tại, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã ra quy định nghiêm cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại trong trường học, bao gồm cả giờ học và giờ chơi.
Vết dầu loang…
Bước sang tuần học thứ 3 của năm học mới, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp) bắt đầu áp dụng quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong trường học, bao gồm cả giờ học và giờ chơi. Tại mỗi lớp học sẽ được trang bị tủ đựng điện thoại để bảo quản điện thoại của HS trong thời gian các em ở trường.
Đây là năm đầu tiên trường đưa ra quy định cứng rắn về việc sử dụng điện thoại trong trường học, với mong muốn tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, giúp HS tập trung hơn trong việc học, hạn chế sự tác động của thiết bị điện thoại thông minh đến HS. Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, quy định bước đầu nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của giáo viên, HS, đặc biệt là sự thống nhất cao của phụ huynh. Bên cạnh đó cũng có ý kiến trái chiều của một bộ phận HS, trường tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để hỗ trợ HS tra cứu thông tin, giáo viên tăng cường đổi mới tiết học để tạo sự hứng thú cho HS…
Tương tự, năm học này Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) cũng bắt đầu áp dụng quy định hạn chế HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, bao gồm cả giờ học và giờ chơi. Với quy định mới, trường hướng tới giáo dục và quản lý HS sử dụng thiết bị thông minh, tránh việc các em bị xao nhãng bởi thiết bị thông minh trong giờ học. Đặc biệt là tạo sự gắn kết, kết nối giữa các HS với nhau trong giờ chơi, hình thành trong HS các mối quan hệ bạn bè tốt đẹp.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm học, quy định nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường đã được Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) phổ biến và triển khai đến toàn HS. Ngay khi quy định mới được áp dụng đã mang đến một không gian hoàn toàn mới cho trường, với những giờ chơi rộn ràng tiếng cười, gắn kết HS cùng vui chơi, rèn luyện và học tập. “Hiện không còn cảnh tượng HS chỉ biết chăm chú vào chiếc điện thoại mà không nói với nhau câu nào như trước đây, thay vào đó, giờ chơi bây giờ thực sự là giờ chơi trọn vẹn cho mỗi HS. Trường thiết kế rất nhiều góc vui chơi, học tập để phục vụ theo nhu cầu của HS trong các giờ chơi. Có em chọn đọc sách, lên thư viện cùng nhau giải bài tập; có em tham gia chơi cờ, chơi bóng chuyền, cầu lông tại khu vực sân chơi; nhưng cũng có nhiều em chỉ tụ tập trên hành lang sân trường để trò chuyện… Không gian sân trường thực sự trở thành không gian vui chơi của HS, gắn kết và thân thiện”, thầy Lương Văn Định (Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc) chia sẻ.
Tuy nhiên, các trường nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường vẫn cho phép các em được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu như có sự cho phép của giáo viên, đồng thời chịu sự quản lý của giáo viên trong suốt tiết học.
Áp dụng linh hoạt theo đặc thù của trường
Tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), năm học này nội quy nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại trong trường được “nới lỏng” hơn. Theo đó, trường chỉ cấm HS sử dụng điện thoại trong lớp học khi không có sự cho phép của giáo viên, còn quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ chơi được trường bãi bỏ. Cô Phạm Thị Bình (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, năm học 2023-2024, lần đầu tiên trường áp dụng quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, bao gồm cả giờ học và giờ chơi. Các em chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu giáo viên cho phép. Sau một năm triển khai, trường đã đánh giá, tổng kết lại để có sự điều chỉnh phù hợp. “Nghiêm cấm sử dụng điện thoại trong giờ học thì rất hiệu quả vì HS sẽ tập trung học tập một cách hiệu quả hơn, không có hiện tượng “lo ra, lo vô” với chiếc điện thoại. Tuy nhiên, nội quy cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi thì sau một năm áp dụng lại chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Vẫn còn rất nhiều HS lén lút sử dụng, trong khi đó nhân lực của trường thì không có nhiều; do đó rất khó để quản lý, theo sát việc HS lén lút dùng điện thoại trong giờ ra chơi. Vì thế, trong năm học này, trường quyết định mở quy định này, cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi”, cô Bình chia sẻ.
Từ thực tế triển khai tại đơn vị, cô Bình cho rằng quy định nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại phải phù hợp với đặc thù từng cơ sở, không thể rập khuôn được. Khi nghiêm cấm tuyệt đối trong khuôn viên trường, bao gồm cả giờ chơi thì trường phải tạo thật nhiều sân chơi để HS được tham gia, trải nghiệm. Đặc biệt là phải trang bị được hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ việc các em nghiên cứu, tìm hiểu thêm kiến thức, hoặc triển khai các dự án…
Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 cho rằng quy định nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường cần được đánh giá một cách nghiêm túc và triển khai phù hợp với đặc thù từng cơ sở chứ không phải trường nào cũng có thể giống nhau.
Trường học có biện pháp quản lý học sinh sử dụng điện thoại
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), trong Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, Điều 37 về các hành vi HS không được làm đã quy định rõ hành vi: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Do đó, ông Bảo đề nghị các trường có biện pháp quản lý HS sử dụng điện thoại trong giờ học theo đúng Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT để có sự tập trung trong tiết học, tránh sự xao nhãng của các em, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường chỉ được cho HS sử dụng điện thoại trong tiết học nếu giáo viên có kế hoạch giảng dạy cụ thể, trong đó thể hiện rõ bài học đó HS sẽ sử dụng điện thoại trong hoạt động nào, hướng đến mục tiêu gì… Bên cạnh đó, khi cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học thì giáo viên phải có sự quản lý chặt chẽ. “Nếu trong kế hoạch bài dạy của giáo viên không thể hiện được nội dung rằng trong tiết học đó, HS sẽ sử dụng điện thoại trong hoạt động nào, nhằm mục tiêu gì… thì đồng nghĩa với việc tiết học đó HS không được phép sử dụng điện thoại để các hoạt động giáo dục có sự tập trung”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo ông Quốc, hiện nay ngành giáo dục thành phố đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số giáo dục. Tại hầu hết các cơ sở giáo dục đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị như máy tính, ti vi, máy chiếu tại mỗi phòng học, nhiều trường còn có phòng học thông minh… Đây là các phương tiện để hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT trong tiết học, giúp HS tương tác trải nghiệm cũng như tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ việc học tập một cách dễ dàng.
Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích giáo viên tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được nhà trường trang bị tại lớp, tại trường để thực hiện chuyển đổi số giáo dục, mang đến cho HS các tiết học có ứng dụng CNTT, tương tác, trải nghiệm với công nghệ… Đặc biệt, giáo viên cần sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống học tập LMS của ngành giáo dục thành phố hiện nay để giao bài trước và sau giờ học cho HS. Nếu vậy thì cũng có thể không cần sử dụng điện thoại trong giờ học.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)