Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều trường trung cấp… thoi thóp

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học vừa qua các trường trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục sụt giảm số lượng học sinh, có tới 12 trường trên tổng số 48 trường không tuyển sinh được.

Giáo dục nghề nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo  /// ẢNH: MỸ QUYÊN
Giáo dục nghề nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo. – ẢNH: MỸ QUYÊN
Ngày càng tệ hơn
Theo ông Lê Việt Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 48 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 6 trường CĐ đào tạo hệ TC. Năm học vừa rồi được giao tuyển sinh hệ chính quy là gần 40.000 chỉ tiêu nhưng rốt cuộc chỉ tuyển sinh được hơn 18.300 (đạt hơn 57%). So với năm học 2014 – 2015, số học sinh TCCN tuyển mới của Hà Nội giảm hơn 7.000. Các nhóm ngành tuyển được nhiều gồm: y dược, sư phạm mầm non, hành chính văn thư. Chỉ có 5 trường tuyển đạt chỉ tiêu, 12 trường tuyển được trên 50%, 19 trường chưa đến 50% chỉ tiêu. Đặc biệt có 12 trường không tuyển sinh được.
Thế nhưng, theo dự báo năm học mới tình hình tuyển sinh của khối trường này sẽ có nguy cơ tệ hơn, do đồng thời chịu 2 yếu tố khách quan chi phối. Đó là chủ trương chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp và chủ trương không tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp với một số ngành trong lĩnh vực y tế. “Đào tạo TCCN nhiều năm nay đã đi gần đến ngõ cụt. Mặc dù nhà nước đã mở lối thoát cho trường bằng chủ trương phân luồng sau THCS nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình. Chúng tôi đến các trường phổ thông nhưng không qua được “vòng gửi xe” để vào tuyển sinh. Như vậy, cơ hội cũng có nhưng không làm nổi. Cho nên chúng tôi kiếm đủ mọi nghề để làm, để tồn tại thoi thóp”, bà Đỗ Thị Hải, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế tài nguyên môi trường, chia sẻ.
Nên tập trung vào ngành mũi nhọn
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng thách thức rất lớn mà hệ thống trường TCCN hiện nay phải đối mặt chính là sự thiếu lòng tin của người dân vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian qua, dù nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ cho các trường nghề nhưng quy mô tuyển sinh mà hệ thống trường này đạt được nhỏ hơn rất nhiều so với hệ thống trường TCCN. “Khi mà người ta chưa tin thì tôi rất lo cho câu chuyện tuyển sinh”, ông Vinh bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nếu các trường hết sức bình tĩnh nghĩ cách làm sao tồn tại và phát triển thì cho dù chuyển đổi cơ quan quản lý cũng sẽ không vấn đề gì. Có chủ quản ngành nào thì các trường vẫn được hoàn toàn tự chủ về tài chính, về chương trình… như cách mà lâu nay Sở vẫn thực hiện với các trường TCCN. Mỗi trường xây dựng một ngành mũi nhọn, từ đó tìm cách hợp tác với nhau. Chẳng hạn như nhiều trường hợp tác lại để tạo thành một vài trường mạnh, mỗi trường lại tập trung đầu tư cho một khoa.
Còn với các trường y dược, ông Đại cho rằng nên tư duy theo cách là thích ứng, phát triển thế nào với sự thay đổi mà nhà nước đã đưa ra lộ trình. Ông Đại kết luận: “Nhiệm vụ số 1 của các trường là phải thu hút được học sinh, bởi có học sinh là có tất cả. Nếu có học sinh mới có tiền trả lương cho đội ngũ giáo viên giỏi. Nhưng không giáo viên giỏi thì học sinh lại không về. Vậy giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Chỉ có một con đường là các trường phải đầu tư, ít nhất là phải có một đội ngũ giáo viên giỏi và được trả lương xứng đáng”.

Quý Hiên/TNO

Bình luận (0)