Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều tuyến đường phía Nam không được cải tạo, nâng cấp do thiếu vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 9-4, Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL63 đoạn qua tỉnh Cà Mau (đoạn đi trùng đường Hồ Chí Minh) hiện chưa có kế hoạch thực hiện, do chưa cân đối được nguồn vốn.
Theo phản ánh của người dân, đoạn QL63 đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau, nhất là đoạn nội đô TP Cà Mau đang có lưu lượng xe quá lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT rất hạn hẹp, do đó Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn cho dự án này trong giai đoạn hiện nay. Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Tương tự, đường tránh Long Xuyên tuyến QL91 đoạn qua địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ (dài khoảng 5,3km) cũng được người dân phản ánh là thường xuyên bị ùn tắc. Bộ GTVT cho biết, hiện chưa thể bố trí vốn nâng cấp tuyến đường này vẫn là do nguồn vốn ngân sách bố trí cho Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025 hạn chế. Hiện ngân sách chủ yếu ưu tiên đầu tư cho các tuyến đường cao tốc, trong đó trên địa bàn TP Cần Thơ đang triển khai đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng sẽ hoàn thành năm 2023; tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, tổng mức đầu tư 10.371 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024.
* Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến đầu tháng 4, có 3 dự án giao thông lớn sử dụng nguồn vốn vay ODA đang bị chậm tiến độ.
Trong đó, dự án Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, tiến độ thi công đạt 77%, chậm 10% so với kế hoạch, do các nhà thầu thi công chậm. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường thủy chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu ký cam kết và tập trung thi công đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-6. Dự án thứ 2 chậm tiến độ là dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện dự án này còn 3/11 gói thầu đang chậm trễ trong công tác chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, kinh phí giải phóng mặt bằng dự án bị tăng hơn 708 tỷ đồng, dẫn đến Bộ GTVT phải trình Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng. Cuối cùng là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, hiện tiến độ thi công dự án mới đạt 40,2%, chậm khoảng 7,8% so với kế hoạch. Bộ GTVT đã đề nghị Ngân hàng Thế giới gia hạn hiệp định thêm 22 tháng, điều chỉnh thời gian hoàn thành cho dự án này từ năm 2023 sang năm 2025.
MINH DUY (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)