Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhiều ứng dụng bán hàng online, đi chợ hộ dừng hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27/7, một số đơn vị tạm ngưng hoạt động bán hàng online, đi chợ hộ sau khi TPHCM quy định nhiều yêu cầu đối với người vận chuyển hàng (shipper).

Ứng dụng gọi xe Be hiện đã tạm ngưng cung cấp tất cả các dịch vụ tại Hà Nội và TPHCM. Đại diện Be cho biết, dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TPHCM đã dừng từ 10g ngày 27/7 đến 1/8/2021 hoặc đến khi có thông báo mới. Đây là quyết định chủ động từ Công ty Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Be Group đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để có thể triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho đội ngũ tài xế công nghệ trong thời gian sớm nhất.

Các dịch vụ giao hàng và dịch vụ đi chợ hộ của Grab trên địa bàn TPHCM cũng chỉ hoạt động trong khung giờ từ 6g đến 17g mỗi ngày. Đơn vị này chỉ nhận giao hàng thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế. 

Đội ngũ đi chợ hộ của ứng dụng Be tạm ngưng hoạt động từ ngày 27/7 đến 1/8/2021

Đại diện AEON Việt Nam cũng cho biết việc tìm kiếm shipper giao hàng cho các đơn online trong ngày 26/7 của siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều shipper tắt ứng dụng hoặc hạn chế nhận đơn do việc di chuyển gặp trở ngại khi qua nhiều chốt kiểm soát trong thành phố. Đơn vị này tạm dừng hoạt động các kênh mua sắm online, những đơn hàng đặt trước ngày 23/7 sẽ được giao đến khách đặt hàng.

Trong hôm nay (27/7), siêu thị này phải tăng cường ít nhất 8 điểm bán hàng lưu động tại một số quận trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân (TPHCM). Các điểm này bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt) và thực phẩm khô với giá niêm yết bằng tại siêu thị.

AEON Việt Nam cũng đang xem xét để phối hợp với Sở Công thương, UBND các quận, phường, hội liên hiệp phụ nữ… tại địa phương để triển khai thêm hình thức cho người dân đặt hàng trước, sau đó siêu thị sẽ giao tập trung cho đại diện chính quyền tại mỗi khu vực dân cư để phân bổ cho người dân.

AEON Việt Nam tăng cường thêm 8 điểm bán hàng lưu động tại TPHCM trong ngày 27/7

Đại diện các hệ thống siêu thị LOTTE Mart, GO!, Topsmarket, Big C… cho biết, các siêu thị vẫn nhận đơn hàng online; tuy nhiên khi số lượng đơn đặt quá nhiều, siêu thị sẽ tạm ngưng nhận đơn hàng mới; giải quyết xong các đơn hàng cũ thì ứng dụng (app) mới được mở lại để nhận tiếp đơn hàng mới.

Theo đại diện một số siêu thị, các đối tác vận chuyển và shipper cũng gặp khó khăn tương tự trong khu vực nội thành, không thể di chuyển giữa các quận, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng đối với đơn online. Vì thế, việc đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu mua online của người dân trong bối cảnh mọi người hạn chế ra đường trở thành thách thức rất lớn đối với các siêu thị.

Ông Phan Tường Bách – Giám đốc vận hành Ahamove – cho biết đơn vị này vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên lực lượng shipper đã giảm khoảng 20% trong hai ngày và có thể còn giảm tiếp vì việc lưu thông giao hàng khó khăn, nhiều tài xế ngại ra đường. Nhiều đơn hàng của các đối tác siêu thị, cửa hàng phải chờ lâu hơn mới có tài xế giao hàng vì tài xế phải đi cung đường dài hơn, qua nhiều chốt chặn. Do đó, giá phí cước giao hàng cũng tăng cao hơn so với bình thường, cao điểm có thể tăng gấp đôi.

“Quy định mỗi shipper chỉ được giao hàng trong một quận, huyện khiến việc giao hàng rất khó khăn. Việc đặt bảng tên, băng đeo tay trang bị cho 15.000 shipper thuộc Ahamove hiện cũng chưa thể thực hiện được vì nhiều đơn vị in ấn, may phụ kiện đang ngưng hoạt động, giả sử in được thì việc phát phụ kiện nhận diện cho 15.000 shipper cũng không đơn giản.

Hiện chúng tôi cấp cho mỗi shipper một mã QR thể hiện các thông tin cá nhân của tài xế giống như thẻ tài xế để hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền muốn áp dụng cả QR code và bảng tên, băng đeo tay cho tài xế. Chúng tôi đã gửi danh sách tài xế và vẫn đang chờ tin nhắn xác nhận từ chính quyền”, ông Phan Tường Bách – Giám đốc vận hành Ahamove – cho hay.

Theo ông Bách, quy định mỗi tài xế phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần/tuần trong khi các điểm xét nghiệm đang quá tải, việc này vừa gây lãng phí nguồn lực vừa tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi số lượng tài xế tập trung quá đông. Công ty mong tài xế sớm được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)