Anh Giang Ngọc Phương (nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM) phát biểu ý kiến tại chương trình đối thoại |
Sáng 11-7, tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã tổ chức chương trình đối thoại thanh niên “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói của người trong cuộc”. Tại đây, các đại biểu đã cùng thảo luận và trao đổi ý kiến xung quanh Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016). Theo đó, một trong những điểm mới của quyết định này là thanh niên tình nguyện sẽ được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào các hệ đào tạo ĐH, CĐ và sau ĐH; được cấp thẩm quyền nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác. Bên cạnh đó, quyết định cũng chỉ rõ: Thanh niên tình nguyện tham gia các loại hình tình nguyện có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, thì được UBND cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc và chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị tai nạn trong quá trình tình nguyện sẽ được đảm bảo theo chính sách: a/ trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5-10% thì hỗ trợ tối thiểu một nửa chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng suy giảm; b/ trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì ngoài chế độ hỗ trợ được hưởng như khoản a còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 3 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 0,5% lần mức lương cơ sở.
Trong phần thảo luận, đa số các ý kiến đều đồng ý: Quyết định 57 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tình nguyện và tạo điều kiện để quản lý các hoạt động tình nguyện tốt hơn. Tuy nhiên, quyết định này cũng thể hiện một số điểm bất cập, chưa phù hợp bản chất tình nguyện. Chẳng hạn, các đại biểu đề nghị nên bỏ quy định: “Chi trả tiền bồi dưỡng cho thanh niên trong thời gian hoạt động tình nguyện (nếu có) vì điều này sẽ được cho là thanh niên làm tình nguyện nhằm mục đích vụ lợi; cần xem xét thời gian tham gia công tác tình nguyện của thanh niên trước khi xem xét quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng tại địa phương. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các hoạt động, chương trình tình nguyện cần phải phát huy chuyên môn tay nghề của thanh niên tình nguyện, chứ không phải nhận bất cứ công việc nào (nhất là những công việc không phù hợp chuyên môn, sức khỏe của sinh viên) mà địa phương đề nghị…
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)