Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều vi phạm khi thực hiện kiên cố hóa trường lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai công trình thuộc Đề án kiên cố hóa. Ảnh: I.T

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Kết quả cho thấy, các địa phương thực hiện có nhiều thiếu sót và vi phạm.
Sai sót từ bộ tới địa phương
Có hai nội dung được thanh tra đợt này là việc tổ chức triển khai thực hiện đề án của Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương (các bộ liên quan) và việc tổ chức triển khai thực hiện đề án của UBND 3 tỉnh Sơn La, Quảng Bình và An Giang. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, đối với Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương thì sai sót đầu tiên đó là chậm ban hành quy chế hoạt động (sau 2 năm kể từ ngày được thành lập Ban chỉ đạo mới ban hành được quy chế hoạt động). Đối với Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ kết luận bộ chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao tại quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ như xây dựng đề án không xác định đầy đủ, chính xác số liệu về phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên cần được đầu tư, xây dựng trên thực tế; không tính đến yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện. Thực tế, sau 4 năm thực hiện, mặc dù kinh phí đã được cấp đủ theo yêu cầu của đề án nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt con số rất khiêm tốn: 59,6% đối với phòng học, 31,7% đối với phòng ở công vụ cho giáo viên. Dù đã được duyệt tăng thêm 2 năm so với đề án ban đầu nhưng Bộ GD-ĐT đã không xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện hàng năm, nên không có căn cứ để theo dõi, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện đề án hàng năm của địa phương. Các bộ khác như Kế hoạch đầu tư, Tài chính cùng với Bộ GD-ĐT đã chưa thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng về việc xây dựng kế hoạch phân bổ vốn tổng thể cho các tỉnh, thành phố. Việc chậm có kế hoạch này đã làm cho các địa phương bị động trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án.
Đối với 3 tỉnh Quảng Bình, An Giang và Sơn La được thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót. 3 tỉnh này xây dựng đề án chưa chính xác về số lượng phòng học, nhà công vụ cho giáo viên; chưa sát với điều kiện thực tế của địa phương. Đến thời điểm thanh tra, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện đề án được cấp 100% theo kế hoạch (riêng Sơn La đạt 76,2%) nhưng tỷ lệ triển khai xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên còn thấp, không đạt được mục tiêu đề án. An Giang mới đạt 59,12% phòng học, 61,72% nhà công vụ; Sơn La đạt 53,3% phòng học, 30,3% nhà công vụ; Quảng Bình đạt 43,2% phòng học, 38,6% nhà công vụ. Cả 3 tỉnh không huy động được nguồn vốn xã hội hóa. Riêng Quảng Bình, Sơn La không bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương theo yêu cầu của đề án (Sơn La là 6,9%, Quảng Bình là 35,6%). Không những thế, nhiều công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, tỷ lệ quyết toán thấp, 3 tỉnh đều chưa đạt được 40%, thậm chí Quảng Bình chỉ đạt 12,7%. Cả 3 tỉnh đều chưa có giải pháp, cơ chế cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận cả 3 tỉnh đều có tình trạng sử dụng nguồn vốn của đề án không đúng mục đích. Tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đề án có nội dung không đúng với mục tiêu đề án, các chủ đầu tư đã sử dụng hơn 18,2 tỷ đồng từ nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị bàn ghế, đồ dùng dạy học cho các phòng học. UBND tỉnh Quảng Bình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho chi phí thiết kế mẫu mới 420,5 triệu đồng và làm vốn đối ứng cho Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Minh Hóa 762 triệu đồng. UBND tỉnh An Giang đã cho phép sử dụng 12 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thuộc lĩnh vực thủy lợi để phân bổ cho các công trình thuộc đề án nhưng chưa bố trí được kế hoạch vốn để hoàn trả.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan
Trước những sai phạm, thiếu sót từ các bộ đến các địa phương, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Sơn La bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thanh toán số tiền trên 14 tỷ đồng do các chủ đầu tư đã mua sắm trang thiết bị cho phòng học, nhà công vụ; hoàn trả lại số tiền trên cho nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và bố trí để xây dựng phòng học theo mục tiêu của đề án. UBND tỉnh Quảng Bình bố trí trên 1 tỷ đồng từ ngân sách để thanh toán cho thiết kế mẫu mới và làm vốn đối ứng cho Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. UBND tỉnh An Giang báo cáo xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc tạm sử dụng 12 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu thuộc lĩnh vực thủy lợi để phân bổ cho các công trình thuộc Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên từ năm 2009.
Về công tác quản lý, Thanh tra Chính phủ cho rằng Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương cần rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng và quyết định của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng cần chấn chỉnh công tác xây dựng đề án, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện đề án. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá thực hiện đề án theo nhiệm vụ được giao; có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, vi phạm trong việc thực hiện đề án tại các địa phương. UBND các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện đề án. Đồng thời, có giải pháp để huy động được nguồn vốn xã hội hóa thực hiện đề án.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý về hành chính, đối với Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương và UBND 3 tỉnh là tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây nhà công vụ cho giáo viên theo mục tiêu của đề án.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)