Nhà vệ sinh trong trường phải sạch để tránh tình trạng học sinh “nhịn” tiểu, dễ gây bệnh NTT |
Bệnh nhiễm trùng tiểu (NTT) có thể gây biến chứng sẹo thận, là tiền thân của bệnh cao huyết áp và suy thận mãn. Bệnh rất dễ xảy ra với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Việc thường xuyên nhịn đi tiểu là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh NTT…
Trẻ em gái dễ mắc bệnh hơn trẻ em trai
NTT là bệnh lý gây ra do sự hiện diện của vi trùng trong nước tiểu, chủ yếu là vi trùng E coli. E coli là vi trùng của đường tiêu hóa, đi từ đường ruột hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược dòng vào đường niệu.
Ngoài ra, NTT còn có thể do nhiễm trùng huyết gây ra. Vi trùng từ máu bệnh nhân bị nhiễm đi khắp cơ thể, đến đường niệu và gây nhiễm trùng. Dạng này rất nặng và nguy cơ cao. Bên cạnh đó, những bệnh nhi có sức đề kháng kém hoặc có dị dạng đường tiểu thì dễ mắc NTT hơn.
NTT thường gặp ở trẻ em gái nhiều hơn ở trẻ em nam do niệu đạo ở trẻ em gái ngắn hơn. Do vậy vi trùng dễ dàng vào cơ thể và gây nhiễm trùng.
Để có thể nhận biết bệnh, phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu sau: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, triệu chứng thường không rõ ràng. Do vậy khi phát hiện trẻ sốt mà không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân hoặc vàng da kéo dài trong thời kỳ sơ sinh thì phụ huynh phải đưa tới bệnh viện vì có khả năng trẻ đã bị bệnh NTT.
Ở trẻ lớn hơn, triệu chứng của bệnh thể hiện rất rõ. Trẻ có thể nói với phụ huynh là muốn đi tiểu mà không đi được hoặc trẻ thường xuyên tiểu són, tiểu lắt nhắt, tiểu gắt. Kiểm tra nước tiểu của trẻ, phát hiện có màu đục, thậm chí có trẻ tiểu ra máu. Một số trường hợp có thể kèm theo sốt, đau bụng, đau hông lưng.
Giữ vệ sinh để phòng bệnh
NTT rất nguy hiểm do biến chứng thường gặp là sẹo thận. Sau một đợt NTT nặng hoặc NTT tái phát nhiều lần, 10 – 15% trẻ sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo thận. Sẹo thận có thể gây cao huyết áp và dẫn đến suy thận mãn sau này.
Để phòng ngừa NTT, ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em gái, sau mỗi lần đi tiêu tiểu nên vệ sinh và lau chùi đúng cách. Lau từ trước ra sau, không lau từ sau ra trước, do lỗ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau. Động tác làm vệ sinh phải đúng cách để không đưa vi trùng từ đường tiêu hóa vào đường niệu. Ngoài ra, các bà mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã lót và nên thay tã ngay sau khi bé tiêu tiểu.
Vì bất kỳ lí do gì việc nhịn đi tiểu là rất nguy hiểm. Bởi nước tiểu gồm các chất cơ thể cần thải ra ngoài, khi bị ứ trong bàng quang các chất này sẽ là môi trường cho vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể và gây NTT.
Khi trẻ ngại đi vệ sinh sẽ dẫn đến tình trạng trẻ không dám uống nước nhiều, điều này rất hại cho cơ thể. Mỗi ngày cơ thể cần từ 1,5 – 2 lít nước cung cấp từ thức ăn và thức uống. Uống nhiều nước sẽ giúp thận thải tốt các chất bã…
BS. Trần Thị Mộng Hiệp
(Bệnh viện Nhi đồng II)
Bình luận (0)