80 năm đã trôi qua (1932-2012) kể từ ngày đầu tiên phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn nhón những bước chân đầu tiên vào làng văn học Việt Nam hiện đại và “trong khoảnh khắc lại làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” (Hoài Thanh).
Tuy nhiên, những giá trị đích thực, ý nghĩa cách tân to lớn của thời đại văn học đó đối với lịch sử văn học hiện đại nước nhà thì hoặc bị bỏ quên hoặc vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn.
Cuộc hội thảo về “Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn – 80 năm nhìn lại” diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 20-10 với sự tham dự của nhiều giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học đầu ngành đã một lần nữa làm sáng tỏ những lầm tưởng vội vàng từng khoác lên tấm áo Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệt trước thách thức thời đại của văn học Việt Nam khi Đông Tây đang giao hòa…
“Có thể nói chưa một thời đại văn học nào lại sản sinh ra nhiều tài năng kiệt xuất, có phong cách riêng đến vậy, từ Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu đến Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… Và nếu không có phong trào Thơ mới, nếu không có Tự Lực Văn Đoàn có lẽ cũng sẽ không có thơ ca cách mạng, không có sự phát triển của văn thơ hiện đại ngày nay…”, TS. Bạch Văn Hợp – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đã khẳng định trong bài diễn văn khai mạc hội thảo.
Theo PGS. Trần Hữu Tá, mặc dù vào những năm đầu đổi mới, “Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn đã có được những nhìn nhận thay đổi một cách khá cơ bản, không còn xem đó là phong trào thơ văn tư sản, tiểu tư sản, ủy mị. Hội thảo lần này một lần nữa nhìn lại thành tựu của văn học quá khứ để tiếp tục đánh giá chính xác hơn, không thể bằng lòng với một lần đánh giá”.
Trong khi đó, PGS. Nguyễn Thành Thi – Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho biết: “Văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn còn có nhiều tư liệu mà các nhà nghiên cứu phải tiếp tục sưu tầm và xác minh lại một cách chính xác hơn, một khi tư liệu chuẩn xác thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết luận, luận điểm của nhà nghiên cứu. Điều thứ hai, về mặt học thuật thì chúng ta phải nghiên cứu Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn trong một tổng thể bối cảnh xã hội sinh thành ra nó, nếu tách khỏi, nhiều khi chúng ta đánh giá không thật đầy đủ và không đúng đắn”…
Trong 72 bài tham luận, có 11 bài đáng chú ý, bao quát nhiều vấn đề. Đơn cử như tham luận Tìm hiểu cái tôi Thơ mới của GS. Nguyễn Huệ Chi. Theo đó, “với một cái tôi xù xì góc cạnh biểu hiện dưới nhiều dáng vẻ, đem đến cho độc giả một thế giới tinh thần đầy quyến rũ, lần đầu tiên trào lưu Thơ mới đã mở cho thơ Việt Nam một cánh cửa để nhìn thấy ở đó có một con người, vốn là chủ soái đích thực từ xưa trên thi đàn nhưng đến đây mới có quyền xuất hiện công khai”. Hay như GS. Nguyễn Đăng Mạnh với tham luận Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ mới – nhìn lại và suy nghĩ đã nêu lên những sai lầm về nội dung chương trình giáo dục trước cải cách là đồng nhất văn học và chính trị, xem tiêu chuẩn nghệ thuật là thứ yếu từ những năm trước Đại hội VI của Đảng (1986). Tuy nhiên, sau cải cách giáo dục lần thứ nhất năm 1989 thì một số tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã được đưa vào sách giáo khoa.
Bên cạnh việc hiểu đúng về những chân giá trị của một thời đại văn học thì hội thảo lần này còn góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ giảng viên văn học và bộ phận sinh viên, học sinh cả nước.
Yến Hoa
Bình luận (0)