Môn ngữ văn giảng dạy và đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi gần hết 2 năm học ở bậc THCS (lớp 6, lớp 7) và gần hết 1 năm học với lớp 10 (bậc THPT). Nhìn lại một chặng đường đã thấy có nhiều khởi sắc, song cũng không ít những bất cập cần hoàn thiện.
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THPT (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Thay đổi từ phương pháp dạy học đến kiểm tra, đánh giá
Với phương châm lấy học sinh làm trung tâm, phát huy kỹ năng của người học hơn là việc quá chú trọng kiến thức, trong đó có yêu cầu hình thành 4 kỹ năng cơ bản cho học sinh trong việc dạy học văn: đọc, viết, nghe, nói, môn ngữ văn theo chương trình mới đã “lột xác” rất nhiều. Nhiều phương pháp giảng dạy mới mà giáo viên đã được tập huấn online qua các mô đun (gồm 9 mô đun) của Bộ GD-ĐT đã đưa vào áp dụng, nên tiết học sinh động hẳn lên. Tính ứng dụng vào thực tiễn của việc dạy học văn luôn được chú trọng. Mấu chốt của việc dạy học văn, theo quan điểm của chương trình cũng như các nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa là, sau mỗi bài học phải cho ra sản phẩm. Việc này tăng tính ứng dụng của dạy học văn, tránh việc xa rời thực tế, nên đã đem đến nhiều hứng thú cho học sinh.
Theo công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH (và công văn bổ sung số 4020/BGDĐT-GDTrH) về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, môn ngữ văn tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra. Đây là “cú hít” lớn để loại bỏ dần tệ đạo văn, học tủ, học vẹt, thiếu sáng tạo của học sinh tồn tại dai dẳng từ trước đến nay. Trao đổi với học sinh lớp 10, hầu hết các em thích thú với đề kiểm tra, đánh giá lấy ngữ liệu hoàn toàn mới, ngoài sách giáo khoa đang học. Tuy nhiên, có khó khăn hơn cho học sinh khi làm bài, nhưng nó rất cần thiết vì đem đến sự công bằng cao hơn, đánh giá đúng năng lực và kỹ năng, hạn chế các tiêu cực như đã nói ở trên. Quan sát và đối chiếu cách ôn thi môn ngữ văn của học sinh lớp 11 và lớp 12 theo chương trình cũ với lớp 10 theo chương trình mới đã thấy sự khác biệt rất lớn. Trong khi học sinh lớp 11 và lớp 12 chú trọng đến kiến thức từng bài học, thì lớp 10 lại lưu ý tri thức kiểu bài và kỹ năng làm bài. Trong khi các em học sinh lớp 11 và lớp 12 cứ kè kè tài liệu, bài văn mẫu trước khi vào phòng thi, thì các em lớp 10 không còn thấy thực trạng này. Việc vi phạm nội quy kiểm tra do sử dụng tài liệu của học sinh lớp 10 cũng bị triệt tiêu thấy rõ.
Bên cạnh kiểm tra viết theo kiểu cũ, cách đánh giá của chương trình mới cũng thoáng hơn. Giáo viên lấy nhiều cột điểm kiểm tra thường xuyên bằng hình thức thảo luận (kỹ năng nói và nghe), sản phẩm (tranh ảnh, sân khấu hóa tác phẩm), thực hiện chuyên đề. Nên đánh giá khá toàn diện kỹ năng của học sinh hơn.
Băn khoăn từ nhiều bất cập
Trước hết là hình thức ra đề kiểm tra. Với lớp 10, tìm hiểu đề kiểm tra của nhiều trường, chúng tôi thấy tình hình ra đề khá đa dạng, trong đó đáng lưu ý là việc có đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề không. Nhiều giáo viên ngữ văn cho rằng nên có trắc nghiệm ở các câu hỏi đầu phần đọc hiểu để đánh giá khái quát kiến thức học sinh. Tuy nhiên, đa số ý kiến nên thay trắc nghiệm bằng hình thức câu hỏi như bấy lâu nay. Và thực tế là nhiều tổ ngữ văn đã thay đổi từ trắc nghiệm thành tự luận. Có giáo viên lập luận rằng: Bản chất môn ngữ văn là diễn đạt, lập luận, suy ý. Vì vậy, câu hỏi đọc hiểu không nên đánh giá bằng trắc nghiệm, vì sẽ làm suy giảm kỹ năng suy luận, diễn ý của học sinh. Theo người viết, trong bối cảnh hầu hết các môn thi đều bằng hình thức trắc nghiệm, thì môn ngữ văn không nên “lấn sân” sang hình thức này. Đây còn là điều kiện để rèn luyện cho học sinh về tư duy, suy ý, diễn đạt, rèn chữ viết…
Thứ hai, việc ra đề kiểm tra môn ngữ văn theo chương trình mới còn nhiều bất nhất và bất hợp lý, như hình thức câu hỏi (trắc nghiệm hay tự luận), thang điểm giữa phần đọc hiểu và làm văn, có sự tích hợp giữa văn bản phần đọc hiểu với phần làm văn hay không. Hoặc yêu cầu của các câu hỏi có bám sát tri thức ngữ văn chương trình mới không, hay vẫn với cách hỏi cũ về đọc hiểu văn bản. Hoặc là văn bản đọc hiểu quá sức với học sinh, gây khó cho các em khi làm bài. Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để đề kiểm tra môn ngữ văn không gây “sốc” cho học sinh, cần điều chỉnh theo hướng hợp lý sau: Với thời gian làm bài 90 phút, không nên cho văn bản quá dài. Văn bản cần chọn là các tác phẩm hiện đại, chủ đề gần gũi với lứa tuổi của các em. Văn bản có nội dung rõ ràng, không cần thiết phải có triết lý sâu sắc, đa tầng nghĩa. Nên chọn văn bản của các tác giả có tác phẩm được học trong nhà trường là phù hợp nhất. Đặc biệt, văn bản nhất thiết phải có ý nghĩa giáo dục, phải rút ra được các bài học cần thiết cho cuộc sống và có tính thẩm mỹ, nghệ thuật. Về cách yêu cầu, các câu hỏi phần đọc hiểu nhất thiết phải bám sát tri thức ngữ văn theo thể loại của các bài học (như thơ, truyện, nghị luận…). Các câu hỏi không nên quá khó, cũng không nên quá đơn giản, tăng dần độ khó và số lượng vừa phải. Cần chú ý đến sự hài hòa giữa phần đọc hiểu và phần làm văn nếu đề kiểm tra có sự tích hợp. Nếu không, ở phần làm văn sẽ có sự trùng lặp ý với phần đọc hiểu. Và chính phần đọc hiểu nhiều khi là gợi ý đáp án cho học sinh làm bài phần làm văn. Nếu văn bản là của tác giả có học trong chương trình sách giáo khoa thì không cần có chú thích thông tin (tác giả, tác phẩm) thêm vào đề. Còn nếu văn bản của tác giả mới hoàn toàn cần phải có thông tin này đầy đủ, kể cả việc chú giải các từ ngữ khó hiểu.
Để có đề kiểm tra chương trình mới không gây “sốc” cho học sinh Đề kiểm tra môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đổi mới gần 2 năm nay nếu tính ở bậc THCS (lớp 6 và lớp 7) và gần hết 1 năm cho lớp 10 (bậc THPT). Từ những ngày đầu, giáo viên và học sinh lo lắng bởi quy định đề cho ngữ liệu là các văn bản ngoài sách giáo khoa, vì sợ học sinh không làm bài được, do đã quen với cách kiểm tra cũ là “học gì, thi nấy”. |
Thứ ba, theo quy định, nhà trường, giáo viên và học sinh có thể lựa chọn giảng dạy nhiều bộ sách giáo khoa, lựa chọn những phần/bài học của bộ sách này kết hợp với bộ sách kia. Song, theo quan sát, thì hầu hết các trường đều chọn dạy một bộ sách, không linh hoạt lựa chọn theo tinh thần trên. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá chưa đều tay, có trường khá dễ, nhưng có trường quá bất hợp lý, gây khó khăn cho học sinh và dẫn đến sự phàn nàn từ phía phụ huynh như thời gian qua. Những học sinh lớp 10 chọn lựa theo khối lớp có định hướng nghề nghiệp thiên về khoa học xã hội và nhân văn phải học thêm các chuyên đề ngữ văn. Tuy nhiên, khó đạt được kết quả như mong muốn, vì chương trình học quá sâu, quá chuyên. Trong khi đó, quỹ thời gian và tư duy của học sinh lớp 10 là có giới hạn.
Theo quy trình, việc áp dụng sách giáo khoa mới, chương trình giáo dục phổ thông mới, phải chờ hết 5 năm áp dụng mới tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian áp dụng, chúng ta đã thấy nhiều điểm ưu và khuyết điểm chưa như mong muốn ở trên.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)