Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhìn lại Chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM: Điểm nhấn Lớp học số – Giáo viên số

Tạp Chí Giáo Dục

Khái nim lp hc s, giáo viên s ln đu xut hin ti các trưng hc trên đa bàn TP.HCM khi thc hin Chương trình GDPT 2018, bt ngun t vic tiên phong đưa ng dng công ngh s vào dy và hc.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 thích thú tham gia trong lớp học số

Nhng lp hc s đu tiên ca thành ph

Năm học 2024-2025, lớp học số Google lần đầu tiên được Trường THPT Phú Nhuận đưa vào giảng dạy nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số của trường. Trong năm học, việc tổ chức các tiết học tại lớp học Google được trường ưu tiên với học sinh khối 10, thời lượng 2 tiết/tuần; đối với lớp 11 và 12 được cân đối trên đăng ký của giáo viên.

Cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận cho biết, hiện nay giáo viên và hơn 2.500 học sinh toàn trường đã được cung cấp tài khoản Google và được tập huấn sử dụng trong hè. Tổ tin học được giao nhiệm vụ thường xuyên hỗ trợ giáo viên về mặt kỹ thuật. Với lớp học Google, nhà trường hướng tới thay đổi thói quen của cả thầy và trò trên môi trường số để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, hình thành thói quen tự học, kỹ năng sử dụng CNTT cho học sinh. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên khi đổi mới giáo dục.

“Việc đưa thiết bị, công nghệ vào trường học nay không phải là điều xa lạ hay mới mẻ đối với các nhà trường. Tuy nhiên, khi thiết bị được đưa vào và sử dụng một cách bài bản, hệ thống trong lớp học số thì không chỉ góp phần giúp nhà trường chuyển đổi số hiệu quả mà giáo viên sẽ quản lý được học sinh trong tương tác trên môi trường số. Với tất cả các môn học, giáo viên đều rất tự tin triển khai tại lớp học số. Qua tài khoản Google, việc học của học sinh được diễn ra không hạn chế về không gian, thời gian…”.

Tương tự, lớp học số Google cũng là điểm nhấn của Trường THCS Chu Văn An (quận 11) trong năm học này, với việc triển khai tại 3 lớp ở khối 6. Tại những lớp học “mới” này, thiết bị được trang bị ngay tại lớp, mỗi học sinh 1 máy tính bảng, tùy theo bộ môn, giáo viên sẽ tính toán triển khai sao cho phù hợp với từng bài học.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An phấn khởi cho hay, việc đưa lớp học số vào triển khai trong năm học này là nỗ lực rất lớn của cả đội ngũ cùng sự chung tay góp sức từ phía phụ huynh. Giáo viên đã được tập huấn để triển khai hiệu quả các nền tảng trong lớp học số, học sinh cũng có tài khoản, được hướng dẫn tương tác với giáo viên trước, trong và sau tiết học.

Theo cô Nga, vào những năm 2018, ứng dụng CNTT trong dạy và học đã tạo ra một làn sóng đổi mới, song chỉ đơn thuần dừng ở việc đưa các bài giảng PowerPoint trình chiếu. Việc dạy và học vẫn đơn thuần một chiều, giáo viên trình chiếu, học sinh ghi chép. Thế nhưng, với lớp học số thì rất khác. Nền tảng là kho học liệu số trong Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các môn học, với các bài giảng số sinh động từ video, tranh, ảnh… Điều đặc biệt là trong lớp học số, học sinh được trực tiếp tương tác, cùng tham gia vào bài giảng của thầy cô trong những nhiệm vụ, hoạt động giáo dục.

“Chương trình GDPT 2018 trao quyền cho thầy cô chủ động trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Với lớp học số, giáo viên sẽ phát huy được tối đa sự chủ động này của mình, sáng tạo hơn nữa trong phương pháp dạy học để mang đến các giờ học thú vị, sinh động cho học sinh…” – hiệu trưởng này đánh giá.

Trong khi đó, mô hình lớp học số lại được Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) tiên phong đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024. Cô Trần Thị Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây – cho hay, lớp học số thông minh bao gồm một hệ sinh thái giáo dục với các phần mềm, kho học liệu 3D mô phỏng các nội dung của môn học. Nguồn tài nguyên lớn trong lớp học hỗ trợ giáo viên thuận lợi trong đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm áp lực cho giáo viên. Mọi khâu từ soạn bài, giảng bài, tương tác, giao bài, kiểm tra bài và thậm chí là đánh giá đều có thể được giáo viên thực hiện ngay trên nền tảng.

“Trước mắt, nhà trường sẽ tập trung tổ chức các tiết học ở các môn học có mô phòng thí nghiệm đối với khối 10, 11 tại lớp học thông minh để giúp học sinh có những trải nghiệm sâu, mới mẻ trong môn học. Tới đây, trường sẽ đẩy mạnh tập huấn chuyên sâu hơn nữa cho đội ngũ để làm sao thầy cô thành thục, khai thác tối đa hiệu suất của phòng học thông minh ứng dụng trong môn học của mình” – cô Đức thông tin.

Cô, trò cùng “nhàn tênh”

Khái niệm giáo viên số xuất hiện khi chuyển đổi số giáo dục, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục xuất hiện. Khi là giáo viên số, giáo viên sẽ khám phá, khai thác được hiệu quả các công cụ, học sinh cũng ứng dụng được các công cụ này.

Hiện nay, 100% giáo viên, cán bộ quản lý của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức) đã được tập huấn và có chứng chỉ giáo viên Google. Từ chứng chỉ này, giáo viên nhà trường có thể tự tin ứng dụng hiệu quả các công cụ của Google trong đổi mới dạy và học.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1 cho hay, đi cùng với giáo viên Google thì trang thiết bị cũng được nhà trường đẩy mạnh, tạo ra các lớp học số. Từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, giáo viên đã mạnh dạn tổ chức lớp học số ở tất cả các môn học, tất cả các khối lớp, mang thiết bị đến từng lớp, với từng học sinh.

“Sau 1 năm triển khai, đến nay giáo viên vận dụng rất linh hoạt lớp học số, nâng cao khả năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá. Với lớp học số, thầy cô rất thuận lợi để tìm kiếm chất liệu, tư liệu thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, tạo sự thích thú cho học sinh trong giờ học. Học sinh cũng rất tích cực, chủ động khi tham gia vào lớp học từ chính tài khoản của mình” – cô Hằng đánh giá.

“Là giáo viên số trước hết giúp giáo viên thay đổi được tư duy, khái niệm về chuyển đổi số không chỉ dừng ở việc ứng dụng thiết bị, sử dụng PowerPoint để thuyết trình. Việc dạy và học của giáo viên, học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực hơn. Ví dụ, hiện nay, với tiết học làm thơ thì chỉ cần học sinh nộp bài qua lớp học Google là ngay lập tức các em đã có một tập san in ra được, chứ không phải khó khăn như trước đây” – cô Nguyễn Thị Mai (giáo viên ngữ văn, Trường THCS Trần Quốc Toản 1) phân tích.

Cô Phạm Nguyễn Mỹ Nhật, giáo viên Trường THPT Đào Sơn Tây, cho biết cô “rất nhẹ nhõm” khi đứng lớp giảng dạy tại lớp học số và trở thành giáo viên số. Với các công cụ hỗ trợ, giáo viên được tự do trong xây dựng bài giảng, tạo điều kiện để đổi mới một cách nhẹ nhàng, thực chất, hiệu quả.

“Chỉ lấy ví dụ, để soạn một bài giảng bình thường, có hình ảnh, âm thanh, video, kết hợp với trò chơi để học sinh thích thú, lôi cuốn, với lớp học thông thường giáo viên phải mất khoảng 1 ngày, từ việc mày mò thiết kế ô chữ, trò chơi, chèn âm thanh, hình ảnh… Thế nhưng, với phần mềm ứng dụng được sử dụng tại phòng học thông minh, giáo viên chỉ mất chưa đầy 2 tiếng để hoàn tất, thời gian soạn bài được rút ngắn rất nhiều” – cô Nhật hào hứng.

Đ Yến Hoa

Nhìn lại Chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM: Thầy mạnh dạn đổi mới – Trò chủ động sáng tạo

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)