Được chủ động về phương pháp, cởi bỏ áp lực trong kiểm tra đánh giá, những giờ học của học sinh tiểu học TP.HCM nhẹ nhàng qua các trò chơi, hoạt động trải nghiệm. Học sinh ngày càng chủ động, tự tin, phát triển nhiều kỹ năng làm nền tảng để vững vàng ở các bậc học cao hơn.
Những tiết học “học mà chơi, chơi mà học”
Tiết học STEM trải nghiệm lớp 4, Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) diễn ra ở phòng STEM. Bằng những dụng cụ đơn giản, học sinh vận dụng kiến thức về sự cháy trong bài học môn khoa học để thực hành chế tạo nến từ dầu thực vật. Học đi đôi với hành, học gắn liền với thực tế đã mang đến sự thú vị, mới mẻ cho giờ học, khiến học sinh vô cùng thích thú, hào hứng.
Thầy Lê Hồng Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị cho biết, với Chương trình GDPT 2018, giáo viên có sự chủ động về thời lượng môn học để thiết kế các giờ học phù hợp với nội dung kiến thức, đặc thù năng lực học sinh. Do đó, việc học thông qua các hoạt động thực hành được giáo viên đề cao, tạo cơ hội để học sinh được học, được thực hành qua đó phát triển kỹ năng, phẩm chất, năng lực…
“Trong Chương trình GDPT 2006 trước đây, học sinh tiếp cận kiến thức môn học chỉ dừng lại ở SGK. Thế nhưng, với chương trình mới hiện nay, các bài học đều sẽ được gắn với thực tế, học sinh học thông qua các trò chơi, qua thực hành để hiểu bài học. Chính vì thế, các em rất hào hứng, chủ động tiếp thu kiến thức, ham hỏi chứ không còn thụ động như trước đây”.
Giáo dục tích hợp và hoạt động trải nghiệm là những nội dung giáo dục “mới” ở bậc tiểu học trong Chương trình GDPT 2018, trao quyền cho người thầy triển khai những hoạt động giáo dục hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu chương trình.
Mới đây Ngày hội em tập làm vườn được Trường Tiểu học Trương Định (quận 12) tổ chức cho học sinh toàn trường đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho học sinh. Với sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, học sinh tự tay mình tìm hiểu các công đoạn trồng rau: chọn giống, ngâm hạt, gieo hạt. Hoạt động còn giáo dục học sinh kiến thức, kỹ năng làm vườn, biết cách chăm sóc và bảo vệ môi trường, yêu quý thiên nhiên, trân trọng sức lao động.
Thay vì học trong lớp, giờ học tiếng Việt lớp 2/5, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1) diễn ra ở sân trường, với những trò chơi thú vị. Học sinh trong lớp được chia thành 6 nhóm, cùng tham gia các trò chơi: bọ rùa tìm mẹ, hái nấm, giúp bọ rùa lấy mật ong, trò chơi đá bóng, vượt chướng ngại vật để thực hành học từ ngữ, viết câu, ghép câu…
Khi được học thông qua các trò chơi, ở một không gian lớp học hoàn toàn khác, học sinh nào cũng hào hứng, thích thú. Các em sôi nổi trả lời, tương tác trong nhóm và mạnh dạn nhận xét câu trả lời của bạn.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Trinh – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ – chia sẻ, đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Dù vậy, việc đổi mới không hề xa vời, không phải chỉ là khẩu hiệu, mà gắn liền trong từng giờ học, giúp cả thầy và trò đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
“Chỉ đơn giản là việc đưa lớp học ra ngoài sân trường đã khiến học sinh thích thú. Việc học thông qua chính các trò chơi, vừa chơi vừa học, các em sẽ tự mình phát hiện ra kiến thức, sẽ hiểu và ghi nhớ lâu hơn. Hơn nữa, qua các tiết học này các em cũng sẽ học được kỹ năng làm việc nhóm, tự quản, giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát, hỗ trợ…, nhàn hơn rất nhiều so với tiết học theo kiểu thầy đọc – trò chép”.
Giờ học tiếng Việt lớp 2/4, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Thủ Đức) xoay quanh các trò chơi. Không sách giáo khoa, không vở bài tập, chỉ có sự tương tác giữa giáo viên với học sinh; học sinh với học sinh. Qua từng nội dung bài học, giáo viên khéo léo lồng ghép thêm cho học sinh kiến thức thực tế, kỹ năng sống, giá trị đạo đức…
Theo cô Thanh Thanh – giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu rất nhẹ nhàng đối với học sinh khi chỉ cần đạt được yêu cầu tối thiểu chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng khối lớp. Việc đánh giá học sinh cũng không phụ thuộc vào điểm số mà là đánh giá quá trình thông qua đánh giá thường xuyên nên không đặt áp lực lên giáo viên, học sinh…
“Mỗi ngày các em chỉ học có 7 tiết, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Trong đó, các môn học đều đa dạng hoạt động, trò chơi để học sinh được trải nghiệm, thông qua các trải nghiệm tự hình thành kiến thức, kỹ năng, thầy cô chỉ củng cố. Do thời lượng học tập ở trường đã là hai buổi nên giáo viên sẽ không giao bài tập về nhà cho học sinh. So với trước đây, hiện nay chương trình học đã giảm tải rất nhiều”, cô Thanh Thanh nhìn nhận.
Cởi bỏ áp lực kiểm tra đánh giá
Ghi nhận sự tiến bộ của học sinh qua từng ngày, khuyến khích học sinh tiến bộ bằng lời nhận xét, động viên, bằng thư khen; trao cơ hội để học sinh được thể hiện… là phương pháp đánh giá trong Chương trình GDPT 2018. Chính sự đánh giá mang tính thúc đẩy, nhân văn đã giúp cả thầy và trò đều cởi bỏ được áp lực trong dạy và học, phụ huynh cũng đón nhận chương trình bằng sự tích cực, cởi mở.
Cô Lê Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) nhìn nhận, sự trao quyền cho giáo viên trong đánh giá học sinh theo hướng ghi nhận sự tiến bộ của các em đã giúp giáo viên đa dạng các hình thức đánh giá, phù hợp với đặc thù học sinh lớp mình. Giáo viên cũng sáng tạo những cách thức để khuyến khích học sinh tiến bộ trong lớp học. Chính điều này đã một lần nữa khơi gợi ở học sinh sự tự tin, mạnh dạn thể hiện năng lực và phát triển năng lực bản thân mà không e dè, lo sợ bị thầy cô đánh giá, cho điểm thấp.
“Với Chương trình GDPT 2018, chúng tôi khuyến khích học sinh nói, thể hiện, trình bày, khuyến khích các em làm sai. Sau mỗi lần làm sai, các em sẽ không chỉ được giáo viên định hướng cho đúng mà quan trọng hơn là chính các em tự mình rút ra được bài học, chủ động học thêm kiến thức, kỹ năng…” – cô Hương nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, với tính mở của Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên thành phố đã rất mạnh dạn tổ chức các tiết học ngoài nhà trường với các chủ đề/ bài học có nội dung phù hợp, thực hiện dạy học gắn kết giữa lý thuyết với thực hành; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh trong giờ dạy nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Trong kiểm tra đánh giá, giáo viên luôn hướng đến vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Giáo viên và nhà trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em.
“Sở GD-ĐT khuyến khích giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá đã được tập huấn; tránh bám sát sách giáo viên một cách máy móc, rập khuôn; cập nhật các nội dung giáo dục hiện đại, yếu tố thời sự. Đặc biệt chú trọng kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức được lĩnh hội. Tăng cường hình thức tặng thư khen cho học sinh” – ông Quốc nói.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)