Trong hơn một thập kỷ qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 90/CP và Luật Giáo dục 1998, công tác xã hội hoá giáo dục ở Nghệ An đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Điều đáng nói đầu tiên là các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và đại bộ phận nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ và lợi ích trực tiếp, gián tiếp trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương để thúc đẩy giáo dục, ban hành nhiều chế độ khuyến khích người dạy và người học mà gần đây nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/7/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010 (trong đó có Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 (2006-2010) Đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá), Quyết định số 03/2006/QĐ-UBND ngày 09/01/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên giỏi và giáo viên dạy giỏi. Các ngành, các đoàn thể cấp tỉnh đã ký hợp đồng trách nhiệm với ngành giáo dục và đào tạo về các vấn đề có liên quan tới việc giáo dục thế hệ trẻ. Các huyện, thành phố, thị xã và các phường, xã, thị trấn đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể để thực hiện các chủ trương về phát triển giáo dục của tỉnh, của Trung ương.
Từ chuyển biến về nhận thức đã tạo nên sự thay đổi hành vi của nhân dân trong quá trình xây dựng sự nghiệp giáo dục. Xã hội học tập đang được từng bước hình thành. Số trẻ trong độ tuổi đi học hầu hết đã được đến trường, một số rất ít còn lại được học tập trong các lớp linh hoạt, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm học 1994-1995, toàn tỉnh có 77% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 thì năm học 1999-2000, con số đó là 97% và năm 2007-2008 là 99,8%. Cũng từ năm học 1994-1995 đến nay, số học sinh trung học cơ sở tăng 1,74 lần (154.404 – 268.633), học sinh trung học phổ thông tăng 3,82 lần (36.244 – 138.460). Số học sinh bỏ học dở chừng chỉ còn 0,63% (số liệu tại thời điểm 30/9/2008).
Để có được những con số trên, ngành giáo dục Nghệ An đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục của loại hình trường công lập, phát triển nhanh các loại hình trường lớp ngoài công lập. Tính tại thời điểm cuối năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 502 trường mầm non (142 trường công lập và 360 trường ngoài công lập), thu hút 127.197 cháu nhà trẻ và mẫu giáo, trong đó có 77,25% (98.257) số cháu ngoài công lập; 90 trường trung học phổ thông (65 trường công lập và 25 trường ngoài công lập), thu hút 51.350 học sinh học hệ ngoài công lập, chiếm 37,95% tổng số học sinh trung học phổ thông cả tỉnh (riêng 25 trường ngoài công lập có 29.979 học sinh, chiếm 22,22% tổng số học sinh trung học phổ thông). Nếu như năm học 1994-1995, cả tỉnh có 2 trường trung học phổ thông ngoài công lập, nay có 25 trường, nhìn chung các trường đều có bước phát triển tốt, chất lượng học sinh ngày một khá hơn, có nhiều em đậu giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và toàn quốc. Có thể nói, hệ thống trường trung học phổ thông ngoài công lập ở Nghệ An đã phát triển nhanh, mạnh; đáp ứng được một phần nhu cầu học tập của thế hệ trẻ, góp phần ổn định trật xã hội, làm giảm nhẹ gánh nặng ngân sách cho Nhà nước trong khi nền kinh tế của đất nước cũng như của tỉnh còn nhiều khó khăn.
Cùng với hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục thường xuyên gồm các lớp xoá mù chữ, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, tuỳ theo từng loại hình, từng thời gian cũng được hình thành và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 trung tâm giáo dục thường xuyên và 466 trung tâm học tập cộng đồng. Riêng trong năm học 2007-2008, có 909.891 người tham gia học chuyên đề, 3.863 người học bổ túc trung học cơ sở, 16.194 người học bổ túc trung học phổ thông, 1.880 người học bồi dưỡng ngoại ngữ, 2.822 người học học bồi dưỡng tin học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng.
Bên cạnh việc tạo nên phong trào học tập trong toàn dân – xây dựng một xã hội học tập, các lực lượng xã hội đã có nhiều hoạt động tham gia quản lý giáo dục, góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực xâm nhập vào nhà trường, tạo nên môi trường giáo dục tốt đẹp. Việc khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi đang được xã hội quan tâm và đã tạo thành phong trào rộng khắp ở các địa phương. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhân dân Nghệ An vẫn chăm lo đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Hàng năm, người dân Nghệ An đã đóng góp trên 60 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học, đó là chưa kể họ còn bỏ ra khoảng trên 40 tỷ mua sách giáo khoa, giấy bút … cho con em học tập. Chính nhờ sự đóng góp này mà cơ sở vật chất trường học ngày một đầy đủ hơn, khang trang hơn.
Với sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, của các lực lượng xã hội, xã hội học tập đang được hình thành ở Nghệ An, chất lượng giáo dục và đào tạo của Nghệ An đã có bước tiến rõ nét. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã đạt chuẩn; số học sinh giỏi quốc gia, số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng tăng nhanh (riêng số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng, năm học 1995-1996 có 3.673 em thì năm học 2006-2007 có 15.623 em). Tính chung từ năm học 1995-1996 đến năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 598 học sinh trung học phổ thông đạt danh hiệu Học sinh giỏi quốc gia, 04 em đạt danh hiệu Học sinh giỏi khu vực châu Á -Thái Bình Dương, 06 em đạt danh hiệu Học sinh giỏi quốc tế và 97.140 em thi đậu và các trường đại học, cao đẳng (riêng số học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, chưa tính số liệu của năm học 2007-2008).
Hy vọng rằng, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/7/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010, trong đó có Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 (2006-2010) Đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tiếp tục thực sự đi vào cuộc sống, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Nghệ An sẽ phát triển xứng đáng với tầm vóc của một vùng nổi danh là "đất học".
Minh Đức (GDTĐ)
Bình luận (0)