Hội nhậpThế giới 24h

Nhìn lại kinh tế thế giới năm qua

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn bốn ngày nữa là kết thúc năm 2008, một năm đầy xáo trộn, chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi lớn ở Mỹ và Anh. Hậu quả của nó không chỉ là một sự sụt giảm bất thình lình trong nền kinh tế toàn cầu, mà còn đẩy các chính phủ vào thế khó khăn, buộc phải ra tay bảo lãnh các công ty tư nhân làm ăn thất bại. Những điều này xảy ra như thế nào?

PHỐ WALL RUNG CHUYỂN

Mọi chuyện thực sự bắt đầu từ tháng ba với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Bear Stearns – một trụ cột cho Phố Wall. Ngân hàng này đã được mua bởi đối thủ JP Morgan Chase với giá rẻ mạt. 

Tại thời điểm đó Paulson nói: “Các viện tài chính của chúng ta… rất mạnh và tôi tin chắc rằng họ đang thoát ra khỏi tình hình này một cách bền vững”. Trong khi đó nhà đầu tư huyền thoại gốc Hungary, George Soros lại có quan điểm ngược lại. Vào tháng 5 ông nói: “Hệ thống tài chính hùng mạnh toàn cầu thực ra được xây dựng trên một số quan niệm giả dối và vì vậy nó đang có nguy cơ sụp đổ”.
Những gì diễn ra tiếp theo đã minh chứng cho lời ông Soros. Cụ thể chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán New York tụt dốc – có thời điểm xuống tới 40%.

HIỆU ỨNG DOMINO

Thời điểm khi mọi thứ thực sự đổ nhào là vào tháng 9. Thứ hai, ngày 8-9-2008, chính phủ Mỹ thông báo ý định bảo lãnh các nhà cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Cuộc giải cứu đã xảy ra, nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Chỉ hai ngày sau, các thị trường chứng kiến một nạn nhân nữa – Lehman Brothers. Cổ phiếu của Lehman giảm 40% trong một phiên giao dịch sau khi một nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc rút lui khỏi các cuộc đàm phán. Bốn ngày tiếp sau, Lehman Brothers được phép phá sản. 

Chỉ hai ngày sau đó, công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ, AIG, được bơm tiền bảo lãnh. Dường như công ty này quá lớn và nếu để nó phá sản thì hậu quả sẽ khôn lường.

GÓI GIẢI CỨU CỦA CHÍNH PHỦ

Tiếp đó, chính phủ Mỹ tăng cường hành động với một kế hoạch khổng lồ trị giá 700 tỷ đôla để mua những khoản nợ xấu từ các ngân hàng – một dự án được gọi là “tiền coi như rác”. Quốc hội Mỹ đã làm mọi người sốc khi từ chối thông qua kế hoạch. Ngay chiều hôm đó nỗi hoảng sợ đã ngự trị Phố Wall, giá các cổ phiếu sụp đổ với tốc độ khủng khiếp.

Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch cũng được thông qua với một số thay đổi. Nhưng giá cổ phiếu toàn cầu tiếp tục đi xuống, bất chấp cả động thái cắt giảm các mức lãi suất phối hợp đều khắp thế giới. 

LẠC QUAN

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng không chỉ dừng ở Mỹ mà đã lan ra khắp thế giới và có vẻ vẫn chưa tới đáy. Vẫn có ý kiến lạc quan cho đó là hậu quả tất yếu của một hệ thống tài chính già nua cũ kỹ, được bơm phồng lên quá sức chịu đựng của nó, và việc để nó xì hơi từ từ lại rất tốt cho lâu dài.

Mặt khác, người nghèo nhất lại được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này. Suy thoái kinh tế “giúp” giá lương thực và năng lượng tụt dốc từ các đỉnh cao. Giá dầu từ gần 150 đôla/thùng giờ còn hơn 30 đôla/thùng. Những lo lắng về khí thải nhà kính từ các nhà máy giờ cũng vơi đi khi nhiều nhà sản xuất đã phải đóng cửa hoặc cắt giảm công suất.

Nói tóm lại, mặc dù là một năm gây ra nhiều đau thương cho những nhà kinh doanh, nhưng có lẽ 2008 là năm gây ấn tượng sâu sắc nhất kể từ cơn sốc dầu lửa những năm 1970.

Và có ai khẳng định được không còn sự việc kịch tính nào nữa sẽ đến?

Theo CATP

Bình luận (0)