Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhìn lại lịch sử qua “Non sông liền một dải”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn lại lịch sử qua “Non sông liền một dải” - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Nhìn lại lịch sử qua “Non sông liền một dải” Audio

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 25-4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã khai mạc 3 triển lãm: “Giá trị một nguồn di sản”; “Non sông liền một dải” và “50 năm dấu ấn quy hoạch Sài Gòn – TP.HCM” tại khuôn viên tòa nhà Tổ chức sử dụng tài liệu khu vực phía Nam.

Ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát biểu khai mạc triển lãm

Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động văn hóa tại không gian lưu trữ hiện đại, tiền đề quan trọng trong hành trình hiện đại hóa công tác gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia – di sản của dân tộc tại khu vực phía Nam.

Triển lãm “Non sông liền một dải” giới thiệu đến công chúng hơn 200 đơn vị tài liệu với gần 450 trang văn bản, bản đồ, hình ảnh từ lưu trữ quốc gia Việt Nam, Thông tấn xã và sưu tầm từ các cá nhân, tổ chức.

Thông qua nội dung phong phú, đa chiều, triển lãm góp phần tái hiện trang sử hào hùng của những ngày cả dân tộc tiến lên Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, hoàn thành thống nhất Tổ quốc trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng đất nước.

Đại biểu khai mạc triển lãm

Không dừng lại ở một sự kiện trưng bày đơn thuần, triển lãm còn mang ý nghĩa sâu sắc về vai trò giáo dục lịch sử và lan tỏa tinh thần yêu nước thông qua tài liệu lưu trữ. Những “chứng nhân của lịch sử” là tài liệu lưu trữ kể lại câu chuyện hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử năm xưa, đưa người xem bước vào hành trình lịch sử nhiều cảm xúc.

Triển lãm “Giá trị một nguồn di sản” giới thiệu lịch sử gần 50 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – nơi đang gìn giữ nguồn di sản đặc biệt có giá trị của quốc gia, dân tộc.

Thành lập ngày 29-11-1976, các thế hệ công chức, viên chức của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II miệt mài, cần mẫn và thầm lặng thu gom và xử lý, làm “sống dậy” những “tài liệu” thành phông, hồ sơ lưu trữ, không chỉ có giá trị đối với quốc gia, dân tộc mà còn là bộ phận di sản tư liệu của nhân loại.

Các bạn trẻ xem triển lãm

Qua bao thăng trầm của lịch sử, những “di sản của dân tộc” vẫn tiếp tục được các thế hệ công chức, viên chức Trung tâm II tiếp nối giữ gìn an toàn và ngày càng phát huy giá trị, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như nhu cầu của xã hội.

Bước vào thế kỷ XXI, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, trung tâm từng bước đi lên hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình từ lưu trữ truyền thống tiến tới hình thành lưu trữ điện tử.

Triển lãm “50 dấu ấn quy hoạch đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn – TP.HCM” giới thiệu 50 bản đồ và nhiều hình ảnh từ lưu trữ quốc gia, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, phản ánh tiến trình quy hoạch, phát triển Sài Gòn – TP.HCM trong gần 250 năm.

Có thể nói, với định hướng xây dựng thiết chế công cộng mở, trung tâm không chỉ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về lưu trữ, bảo quản tài liệu quốc gia, mà hơn hết hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến văn hóa – giáo dục – du lịch dành cho cộng đồng với nhiều hoạt động đa dạng như: trưng bày chuyên đề theo mùa, chương trình giao lưu với học sinh, sinh viên; hoạt động học thuật dành cho nhà nghiên cứu và công chúng yêu di sản; cùng các buổi trải nghiệm tài liệu số và tương tác công nghệ hiện đại.

Ở đó không gian văn hóa – lịch sử và học thuật được đầu tư bài bản, phục vụ nghiên cứu, sáng tạo; chia sẻ tri thức, dữ liệu mở thúc đẩy chuyển đổi số – góp phần đưa di sản đến gần hơn với người trẻ, người làm nội dung, nhà nghiên cứu, học sinh – sinh viên và du khách yêu thích lịch sử – văn hóa dân tộc Việt.

Khách tham quan tư liệu lịch sử tại triển lãm

Trong lễ khai mạc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã giới thiệu ấn phẩm “50 dấu ấn quy hoạch đô thị Sài Gòn – TP.HCM”; công bố, giới thiệu 50 bản đồ về quy hoạch đô thị TP từ khi Sài Gòn – Gia Định là kinh dinh của chúa Nguyễn trong thế kỷ XVIII, qua gần 250 năm phát triển, từng bước đi lên văn minh, hiện đại và hướng tới hình thành đô thị toàn cầu hiện nay.

Đồng thời, trung tâm cũng công bố ấn phẩm “Đô thị Nam bộ trước năm 1945, tập 1: Sài Gòn – Chợ Lớn – Bình Hòa, Tây Ninh và Tân An” – giới thiệu tài liệu về quá trình hình thành và phát triển của các đô thị tiêu biểu thuộc tỉnh Gia Định thời Nguyễn.

Dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã nhận tài liệu của các chiến sĩ Trung đoàn 66. Việc quyên tặng tài liệu cho trung tâm không chỉ góp phần làm phong phú kho tư liệu quốc gia mà còn giúp bảo quản lâu dài, khoa học – nơi những giá trị ấy không bị mất đi theo thời gian, tạo nền tảng thông tin để trung tâm cùng đóng góp trách nhiệm gìn giữ và phát huy các tư liệu quý giá của dân tộc.

Hồ Trinh

Bình luận (0)