Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhìn lại những vụ vỡ nợ gây chấn động đất Bắc năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai quý cuối năm 2011, đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Những vụ vỡ nợ theo dây chuyền lên tới hàng trăm tỉ đồng. "Con nợ" tháo chạy, còn "chủ nợ" thì đứng ngồi không yên, nhiều trường hợp đã phải bỏ mạng hoặc biến thành "con nợ" của các "chủ nợ" khác…

Liên tiếp các vụ vỡ nợ "khủng"
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về vụ lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán ở TP HCM liên quan đến bà Huỳnh Thị Huyền Như, thì lại đến Công ty TNHH Cơ khí xây dựng TMDV Trường Phong ở tỉnh Thái Bình do Vũ Văn Diệp làm giám đốc, vay ngân hàng và huy động vốn trong dân lên đến hơn 150 tỉ đồng. Đến khi giám đốc doanh nghiệp vỡ nợ, bỏ trốn rồi bị CA tỉnh Thái Bình bắt giữ, nhiều người dân mới ngớ ra khi toàn bộ tài sản của mình, thậm chí là tiền đi vay, mượn ngân hàng hoặc bạn bè đã trôi theo doanh nghiệp này. Tiếp đến là vụ Bùi Thị Thu Hằng lừa đảo hơn 500 tỉ đồng của khách hàng bảo hiểm nhân thọ Prudential ở tỉnh Quảng Ninh làm bàng hoàng dự luận. Sau các vụ vỡ nợ "tín dụng đen" ở các tỉnh thành thì ở Hà Nội cũng xuất hiện hàng loạt vụ vỡ nợ thông qua hình thức này. Tại huyện Đan Phượng, lợi dụng tín nhiệm và nắm bắt được tâm lí của người cho vay tiền muốn lãi suất cao, phương thức gửi gọn nhẹ, dễ dàng, nhận lãi ngay, vợ chồng ông chủ tiệm vàng Tạ Việt Quang (SN 1975) có tiếng là "đại gia" ở thị trấn Phùng đã vay được hàng trăm tỉ đồng, sau một vài phi vụ làm ăn thua lỗ, rồi bị CA bắt giữ khi đang trên đường bỏ trốn.

Với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Thị Dậu, 48 tuổi, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội sử dụng để đánh lừa hàng chục gia chủ với số tiền từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng. Tổng số tiền mà vợ chồng Thị Dậu huy động được lên đến gần 200 tỉ đồng, trong số các nạn nhân của vợ chồng Thị Dậu có cả bố mẹ, anh em ruột thịt của hai vợ chồng này. Chưa hết bàng hoàng về các vụ vỡ nợ trên, thì cơn bão vỡ nợ lại "đổ bộ" về huyện Phú Xuyên, Hà Nội khiến dư luận tiếp tục "nóng" lên khi "con nợ" bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Dư luận đồn thổi vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Cúc, SN 1977, trú tại  thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Sau một thời gian bỏ trốn, hết tiền tiêu xài Thị Cúc đã về "trình diện" CQCA. Tiếp sau đó, "cơn bão" "tín dụng đen" bắt đầu hoành hành ở huyện Từ Liêm với chân dung của "con nợ" được xác định là hai vợ chồng Nguyễn Văn Hải và Trần Thị Xuân, đều trú tại xóm 2, thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Số tiền mà vợ chồng "con nợ" ôm ước tính lên đến cả trăm tỉ đồng.

Tiếp đó, tại quận Cầu Giấy, là sự "biến mất" cùng món nợ "khủng" 600 tỉ đồng của  vợ chồng Phạm Thị Chinh (SN 1975) và Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969) cùng trú ở nhà số 17, ngõ 13, Đông Quan, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Tiếp sau đó là những vụ vỡ nợ "nhỏ" chỉ khoảng vài chục tỉ đồng "nổ" ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, được cho là hệ lụy, có liên quan đến các vụ vỡ nợ "khủng" trên. Nhưng một lần nữa, vào những ngày cuối của năm 2011, dư luận lại "nóng" lên khi Nguyễn Thị Ngừng, 33 tuổi, trú tại thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội tuyên bố vỡ nợ rồi ra "trình diện" CQCA với tổng số nợ gần 300 tỉ đồng.
"Con nợ" theo lao, "chủ nợ" tham lời

Hầu hết các "con nợ" đều xuất phát từ những ông chủ, bà chủ nhỏ, sau một thời gian làm ăn, xây dựng những mối quan hệ "ngoài luồng" rồi huy động nguồn vốn để đầu tư làm ăn từ chính những mối quan hệ này với hứa hẹn lãi xuất cao. Lúc đầu, các "con nợ" này dùng chiêu bài huy động vốn rồi trả lãi rất đúng hẹn. Sau khi "con nợ" đã tạo dựng được lòng tin và uy tín, thì các "chủ nợ" lao vào như con thiêu thân và biến thành "vệ tinh" của các "con nợ" này, đứng lên gom vốn từ các mối quan hệ thân thiết rồi cho "con nợ" vay hưởng lãi suất chênh lệch. Nhiều "vệ tinh" đã đứng lên huy động cho "con nợ" vay đến nhiều chục tỉ đồng. Chính việc tin tưởng "thái quá" vào những "ông bà chủ hờ" này mà nhiều gia đình đã rơi vào nguy cơ tan nát. Vợ chồng mâu thuẫn, con cái cũng vì thế mà li tán. Theo lời những nạn nhân, để có tiền cho vay, họ đã phải cắm "sổ đỏ", bán đất, vay nợ bạn bè. Lẽ dĩ nhiên trong cuộc "gửi gắm" tiền này, người vay – người cho vay sẽ tự thỏa thuận với nhau về tiền lãi chênh lệch và hưởng phần trăm trong những phi vụ làm ăn.

Khi mọi việc vỡ lở, nhiều người đến trình báo số nợ mà mình cho vay, ngoài mảnh giấy viết tay, nhiều trường hợp hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau. Thậm chí, có nhiều người cho vay cũng không có thời gian để tìm hiểu người mình cho vay tiền là người như thế nào, có tiềm lực kinh tế đến đâu, mà họ chỉ nhìn vào bề ngoài xa hoa của các "con nợ" và nghe dư luận đồi thổi về các "con nợ" này rồi mang tiền đến cho vay để hưởng lãi suất "hậu hĩnh"… Tất cả chỉ vì ham hố chút phần trăm chênh lệch cao hơn so với lãi suất trần của các Ngân hàng Nhà nước niêm yết. Có một thực tế hiện nay là, việc cho vay "tín dụng đen" vẫn đang diễn ra âm thầm. Người dân muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại, chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng không quá khó. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lí và thiết chặt việc cho vay theo hình thức "tín dụng đen" bị bỏ ngỏ.

Nhiều "con nợ" sau khi bỏ trốn hoặc ra trình diện trước cơ quan CSĐT đều khai nhận, nguồn vốn huy động được, các "con nợ" đều dùng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng… một phần dùng cho việc trang trải cho cuộc sống xa hoa của gia đình với mục đích "đánh bóng" thương hiệu, uy tín để dễ huy động vốn từ các "vệ tinh" của mình. Một phần vốn huy động được các "con nợ" dùng để trả lãi suất hàng tháng cho các "chủ nợ", có "con nợ" phải trả nhiều tỉ đồng lãi suất trong một tháng. Khi các thị trường mà các "con nợ" đầu tư đóng băng, không còn khả năng xoay sở để trả lãi suất cho các "chủ nợ", thì những "con nợ" này tuyên bố phá sản, không có khả năng trả nợ rồi bỏ trốn. Nhưng khi cơ quan CSĐT tiến hành kê biên tài sản, thì hầu như "con nợ" đã kịp thời tẩu tán, những tài sản còn lại chỉ còn một phần nhỏ nhoi so với tổng số vốn mà các "con nợ" này đã huy động được.

 
 
Cơ quan CSÐT đọc lệnh kê biên ngôi nhà của Nguyễn Thị Dậu
 
Có thể xử lý hình sự
Trả lời báo chí, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho hay, CQĐT  khó xử lý hình sự với các vụ vỡ nợ, bởi việc gom tiền và cho vay lãi suất cao chủ yếu là thỏa thuận dân sự. Thiếu tướng Tuyến cho rằng, hoạt động vay trong dân diễn ra lâu nay, nhưng khi kinh tế khó khăn thì nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có vỡ nợ "tín dụng đen". Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ vỡ nợ "tín dụng đen", không chỉ tập trung ở các các đô thị lớn mà còn có cả ở những vùng kinh tế chưa phát triển. Tuy vậy, hành lang pháp lý để giải quyết những vụ việc như thế này lại chưa rõ ràng, khiến CQĐT gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Theo luật hiện hành, người trả lãi vay cao gấp 10 lần lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước thì xử lý hình sự. Nếu dưới 10 lần chỉ là giao dịch dân sự.

Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, một số trường hợp vẫn có thể chuyển thành án hình sự nếu người vay tiền vỡ nợ nhưng vẫn tiếp tục đi vay. Rồi chính đồng tiến ấy lại được dùng để trang trải cho những khoản vay trước đó mà về mặt ý thức, người ta biết rằng không trả nổi.

Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, tỷ lệ thu hồi tài sản tại các vụ vỡ nợ là rất thấp. Bởi phần lớn tiền đã được "con nợ" đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, vàng… Khi các thị trường này sụt giảm việc thu hồi vốn là rất khón.

Theo Quốc Doanh

(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)