Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhìn lại quá trình phát triển của Phú Xuân và Gia Định

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 29-11, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế khai mạc trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”.

Đại biểu nhìn lại quá trình phát triển của Phú Xuân và Gia Định qua hình ảnh được trưng bày

Tham dự có ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; ông Phan Thanh Hải –  Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế…

Trưng bày mang đến một cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân – Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định – Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698).

Đồng thời, giới thiệu những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hóa và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến. Những dấu ấn văn hóa đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán… sự giao thoa, hòa quyện giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hóa vùng miền của cư dân Nam bộ xưa.

Các bạn trẻ ngắm nhìn hiện vật “Gươm cẩn nhị khí” có niên đại thế kỷ 20, thời Nguyễn

Trưng bày gồm 2 phần. Phần 1: “Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc”. Với lịch sử hơn 700 năm Thừa Thiên – Huế đã trở thành vùng đất hội tụ tinh hoa, văn hóa nghệ thuật với hệ thống các loại hình di tích lịch sử văn hóa, các hiện vật, cổ vật phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật.

Phần 2: “Từ Nam bộ thế kỷ XVII – XIX đến Sài Gòn nay” giới thiệu quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Tại đây giới thiệu sưu tập ấn, sắc phong, tờ truyền thể hiện sự quản lý của Nhà nước trong những buổi đầu xác lập nền hành chính.

Bà Đoàn Thị Trang – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng TP.HCM cho biết, trưng bày chuyên đề này để người dân và du khách khám phá những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa của hai vùng đất TP.HCM và Thừa Thiên – Huế.

“Đây không chỉ là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bảo tàng mà còn là món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa giữa 3 thành phố: Hà Nội – Huế – TP.HCM”, bà Trang chia sẻ.

Không gian trải nghiệm sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế

Ông Nguyễn Đức Lộc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế khẳng định, mối quan hệ giữa Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế với Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM là mối quan hệ đặc biệt, có sự gắn kết bền chặt, keo sơn và được thể hiện qua các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Qua trưng bày chuyên đề, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, nét đẹp các sản phẩm thủ công truyền thống mang đặc trưng của xứ Huế và TP.HCM. Từ đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo tồn truyền thống, văn hóa cũng như tôn vinh những đóng góp của các nghệ nhân”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tại lễ khai mạc, khách tham quan cũng được trải nghiệm làm các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế như: Làm hoa giấy Thanh Tiên (làng Thanh Tiên); tô tượng ông Công, ông Táo (làng Địa Linh)…

Trưng bày diễn ra đến ngày 23-2-2025 tại Bảo tàng TP.HCM.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)