Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhìn lại văn hoá của “sao”

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh phổ biến của showbiz Việt hiện nay.

Dường như khi đã thành người của công chúng, các "sao" ca nhạc của ta thường chịu một sức ép không nhỏ để hoặc sống theo "khuôn phép" xã hội, hoặc làm theo ý thích.

Mặt sau thường mạnh hơn, cho nên, họ phải loay hoay trong cái phông văn hoá chật chội, để chứng tỏ mình và điều này dẫn đến không ít tình trạng dở khóc, dở cười.

Đầu tiên phải là chiêu tạo chú ý trên báo chí, họ biết xuất hiện với tần số đều đặn có lợi như thế nào. Nhưng ngược lại, họ không thể có những hoạt động mới mẻ liên tục, thì lại mang chuyện đời tư lên mặt báo. Đặc biệt, trên những tờ báo mạng cực kỳ nhạy với các tin, bài phỏng vấn kiểu như "ngày mai, ca sĩ X sẽ tiết lộ ai là người tình trong bóng đêm", ca sĩ Y sẽ không tin vào tình yêu khi vừa bị "đại gia" xù", "ai thích khoe vòng 1 nhất".

Có thể tìm trên mạng để biết ngay ai là ca sĩ hot nhất, được báo chí từ lá cải lẫn chính thống "săn đón" nhiều nhất. Họ đâu biết rằng xuất hiện như thế thì chỉ thêm hại cho mình, vì những câu trả lời nhạt nhẽo, vô bổ, hoặc hơi thiếu động não, cùng những hình ảnh "gợi cảm" quá mức.

Tần số xuất hiện trên báo chí chưa đủ, thì phải kéo theo scandal. Dễ nhất là đi "kiện" ai đó, vì bản quyền bài hát chưa ngã ngũ, ca khúc độc quyền bị người khác dùng mất, ai đó bỏ ngang hợp đồng để làm ca sĩ tự do… Cũng có một cách là từ chối giải thưởng nào đó, mà thực chất sợ năm nay không thắng nổi thì đành lui trước.

Cũng rộ lên một thời ca sĩ, người mẫu chụp ảnh nuy với tiếng là làm từ thiện, nhưng hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ biết là không ít người sốc vì những bức hình trông hơi rẻ tiền…

Điều mà nhiều "sao" không ngờ tới là họ rất dễ bị phát hiện khi đóng giả những "vai" không phải là mình, hoặc không làm chủ được mình. Các "sao" thường xuyên đến trễ, kể cả những chương trình truyền hình trực tiếp.

Trong số những "sao" ca nhạc đang nổi, có thể nói, H.N.H, Đ.T được trong giới đánh giá là chuyên nghiệp nhất. M.T qua thời "đỉnh" và đã học được nhiều kinh nghiệm từ những vụ đến trễ không được diễn, cũng đã trưởng thành và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, họ là những số ít trong giới nghệ sĩ. Có những "sao" đã về già, song vẫn giữ thói kênh kiệu đến sân khấu nào thì phải đợi bầu sô ra đón rước tận nơi mới chịu vào diễn, không thì thôi.

Lại có những ca sĩ đã ngoài tuổi 30, nhưng mỗi lần xuất hiện cứ như nữ sinh 16 tuổi. Nhiều người trong số họ quá ảo tưởng về mình, nghĩ mình nổi tiếng là có thể thao túng tất cả, kể cả gu thẩm mỹ của khán giả. Còn những người trẻ mới nổi thì thường không đủ sức tránh khỏi những scandal phản văn hoá, phản cảm.

Vậy thì có tiếp một "chiến dịch" kêu gọi lòng thương cảm của các fan, là tuyên truyền về căn bệnh nan y hoặc hiểm nghèo của ca sĩ, sau một thời gian được sự quan tâm của người hâm mộ, thì "không hiểu sao" bệnh tình thuyên giảm và "sao" vui mừng đi hát trở lại. Còn những chuyện về "ca sĩ" và "đại gia" vẫn tiếp tục được đồn thổi.

Cứ sau một thời gian đi hát, không hiểu sao, các ca sĩ bắt đầu hứng lên tự sáng tác. Thế nhưng, sau một số vụ râm ran nghi đạo nhạc, tiếp đến là đạo ý tưởng, các ca sĩ lui dần khỏi địa hạt khó nhằn này. Sau đó, lại có trào lưu làm nhạc kịch, hay dựng cải lương tân cổ giao duyên…

Nhiều người cho rằng, cái giả đang tràn ngập trong lĩnh vực ca nhạc, chỉ sẽ tạm lắng vài ba năm nữa. Đến lúc công chúng phát hiện ra những tính bốc đồng của "sao", chân tướng thực của họ, cùng những cách lăngxê, tự lăngxê tụt hậu, thì đó là lúc họ cần đến những giọng hát đích thực, những nghệ sĩ nghiêm túc với nghề – mà hiện tại đang bị lãng quên.

Theo Minh Thi/Lao Động
 

Bình luận (0)