Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhìn rõ nguyên nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định là các trường ĐH, CĐ không được xác định điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn, song trên thực tế, để bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu, không ít trường lách “luật” xin được vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh hiện hành, coi đó như một thứ phao cứu sinh để tìm cách hạ thấp mức điểm này.
Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy quy định: “Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường đào tạo nhân lực cho địa phương, mức điểm chênh lệch giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao”. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, những trường được vận dụng điều 33 đều phải trình bộ trưởng xem xét, quyết định chứ không được tự ý áp dụng, tuy nhiên thực tế hầu hết các trường có đơn đều được áp dụng. Rồi vì chưa có quy định cụ thể thế nào là đào tạo nhân lực cho địa phương nên nếu nói đến nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương thì trường nào cũng thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy nếu áp dụng quy định này, chỉ cần 10 điểm thì thí sinh có hộ khẩu ở khu vực 1 đã có thể trúng tuyển.
GS-VS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng đúng là cần có những “châm chước” cho các trường đóng tại vùng sâu, vùng xa, bấy lâu nay vẫn có quy định ưu tiên cho các trường này. Tuy nhiên, quy định “trường đào tạo nhân lực cho địa phương” cũng được dãn điểm ưu tiên đến 1 điểm thì chưa thỏa đáng vì như thế là quá mông lung. Bộ GD-ĐT không quy định cụ thể thế nào là đào tạo nhân lực cho địa phương, vì vậy, nếu nói đến nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương thì trường nào cũng thực hiện cả. Có nhiều trường đào tạo cho sinh viên đến từ 34 tỉnh trong cả nước. Liệu có trường nào dám khẳng định rằng họ chỉ đào tạo nhân lực cho tỉnh mình? Và thực tế là rất nhiều trường chỉ lợi dụng tên tỉnh mình để lách “luật” nhằm tuyển cho đủ chỉ tiêu.
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, khẳng định điều 33 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ là thực sự cần thiết vì nó giúp đào tạo nhân lực địa phương. Tuy nhiên, nếu lách “luật” để tuyển sinh thì lại gây nên hậu quả khó lường là hạ chất lượng giáo dục của chính vùng ấy. Chính vì vậy, đối với những quy định chưa được chặt chẽ như thế này, Bộ GD-ĐT nên có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp để việc đào tạo được công bằng hơn.
GS-VS Phạm Minh Hạc cũng nhất trí với quan điểm này. Ông cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định thế nào là đào tạo nhân lực cho địa phương để các trường không lách được. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc tìm mọi cách hạ điểm chính là việc mở trường tràn lan, thầy thiếu, cơ sở vật chất thiếu… Điều này đã dẫn đến những thiệt thòi cho người đi học, mà sâu xa hơn là làm cho chất lượng giáo dục ĐH của cả nước không nâng lên được.
Theo Yến Anh
(nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)