Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nhìn thẳng vào những yếu kém để tìm giải pháp phát triển GD ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay 19/10, tại TP. Trà Vinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì Hội nghị giao ban  vùng 6, các sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL.

Quyết liệt thực hiện Quyết định của Chính phủ
Báo cáo tổng hợp của toàn vùng về tình hình triển khai nhiệm vụ năm học cho thấy vùng 6 có những tiến bộ nổi bật theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Qui mô trường lớp, học sinh đều tăng so với năm học trước.
Hội nghị lần này, trưởng vùng thi đua Triệu Văn Phấn, GĐ Sở GD&ĐT Trà Vinh đưa ra hình thức kiểm tra thi đua mới. Đại biểu các tỉnh xoáy sâu, nhìn thẳng vào khó khăn ở cơ sở đề xuất giải pháp và kiến nghị cụ thể.  

Các tỉnh đều tập trung triển khai Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về những chính sách đặc thù cho giáo dục vùng ĐBSCL, các sở GD-ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy làm chương trình hành động, tham mưu với HĐND tỉnh đưa vào Nghị quyết để thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hầu hết các tỉnh đều có đề án phổ cập GD mầm non đến năm 2015. Tiến độ giải ngân chương trình kiên cố hóa trường lớp từ đạt đến vượt kế hoạch. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: tiểu học 0,3%, THCS 2%, THPT 2,9%. Việc “lạm thu” trong trường học không phải là vấn đề của khu vực.

Lũ lụt ở đồng bằng ảnh hưởng nhất là 3 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, Long An. Các tỉnh này có cho một số trường nghỉ học từ 1 đến 3 tuần lễ để tránh lũ. Ngoài ra còn tổ chức hàng trăm điểm giữ trẻ và đưa rước học sinh đến trường. Các tỉnh đều triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải. Đối với GD dân tộc, các tỉnh có đồng bào dân tộc đều thực hiên chi trả chế độ chính sách cho người dạy tiếng dân tộc. Riêng Sóc Trăng, Trà Vinh, mỗi tỉnh xuất 1 tỉ đồng mua sách giáo khoa cho các chùa và học sinh.
Tại hội nghị, Trưởng vùng thi đua 6, ông Triệu Văn Phấn đã đề xuất cách kiểm tra thi đua mới: thành lập 6 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn đều có thành viên của Sở GD-ĐT các tỉnh. Kết quả này làm căn cứ bầu chọn thi đua cuối năm chớ không phải căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của 12 Giám đốc Sở như trước đây. Ý kiến này được hội nghị hoan nghênh. 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Nhìn thẳng vào thực tế
Về ảnh hưởng lũ lụt ở ĐBSCL, đại biểu An Giang cho rằng, lũ không ảnh hưởng lớn đến trường học mà chỉ ảnh hưởng nhiều nhất là đường đến trường. Nhận thức được điều này các tỉnh đầu nguồn đã tổ chức đưa rước các em đến trường theo phương thức, tỉnh chi tiền xăng, phụ huynh lo phương tiện, các mạnh thường quân lo áo phao. An Giang được các doanh nghiệp hỗ trợ trên 5.000 áo phao.
Đại biểu Vĩnh Long và Bạc Liêu chỉ rõ, học sinh bỏ học nhiều nhất là ở lớp 6 và lớp 10, do các em học yếu, ngại thi lại. Học sinh bỏ học nhiều nhất trong mùa lũ, mê giăng lưới, giăng câu kiếm ra tiền nên bỏ học. Nghỉ hè, nhiều học sinh theo bạn đi làm thêm “quên” trở lại lớp.
Đại biểu Long An nêu vấn đề khá mới: chương trình dạy nghề nông thôn hiện nay của Bộ LĐ-TB&XH đang phát huy hiệu quả, rất nhiều học sinh trung học bỏ học tham gia học nghề để kiếm tiền nhanh. Nên để cho địa phương bố trí lịch học phù hợp với địa phương. Nghỉ hè 2 tháng, lâu quá khó huy động học sinh, với lại phải dành thời gian nghỉ lũ.
Đối với GDMN,vấn đề bức xúc hiện nay ở ĐBSCL là cơ sở vật chất (trường, lớp) rất thấp, nhiều tỉnh có trên 50% xã chưa có trường MN. Vì thế việc đầu tư kiên cố hóa trường lớp cho MN cần số vốn rất lớn, rất cần sự hỗ trợ trung ương, sự quan tâm địa phương và có cơ chế đào tạo đội ngũ giáo viên và chính sách thu hút giáo viên ở những vùng khó khăn.
Một số vấn đề mới cũng đặt ra cho cấp quản lý nghiên cứu hướng dẫn. Đó là: Học bạ điện tử, Tiền Giang đã triển khai, như vậy tính pháp lý thế nào?Vấn đề phân cấp quản lý giáo dục cho địa phương theo NĐ 115/CP, địa phương đang lúng túng, Bộ nên có tập huấn hoặc có Thông tư hướng dẫn. Việc dạy tiếng Anh theo chuẩn mới, nhiều tỉnh tiến hành kiểm tra trình độ giáo viên theo chuẩn mới, có tỉ lệ rất thấp, cao nhất 10% giáo viên, như tỉnh Vĩnh Long.
Ý kiến nhiều đại biểu đề nghị chuẩn hóa đầu ra của giáo viên ngoại ngữ tốt nghiệp ở các trường sư phạm ngay từ bây giờ và phải có kinh phí, chương trình đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh không đạt yêu cầu chuẩn mới hiện nay.Về công tác kiên cố hóa trường lớp, nhiều tỉnh như: Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh…. đã chi hết kinh phí năm 2011 và ứng vốn năm 2012. Thế nhưng do thắt chặt tài chính hiện nay không thể quyết toán. 
Điểm khó nhất là tỉ lệ sinh viên trên vạn dân 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga ghi nhận những nỗ lực của địa phương và cho biết Bộ sắp ra Thông tư hướng dẫn Nghị định 115/CP quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương. Cách xử lý của các tỉnh vùng lũ là tốt, cần đưa học sinh vào ổn định. Việc chống học sinh bỏ học bước đầu có hiệu quả, sát thực tế. Vấn đề lịch học để ứng phó với lũ và chống học sinh bỏ học các địa phương chủ động đề xuất với Bộ.
Việc ứng vốn kiên cố hóa trường học vượt kế hoạch Bộ rất ghi nhận. Về việc thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg, chỉ tiêu khó thực hiện nhất là số sinh viên trên vạn dân. Chất lượng giáo dục phổ thông có cao thì mới có nhiều học sinh trúng tuyển vào ĐH. Riêng tỉnh  Trà Vinh hiện có 15% (trong khi các tỉnh 30%) học sinh thi đậu vào ĐH-CĐ là quá ít. Tỉnh chỉ có 1.500 sinh viên theo học các trường ĐH-CĐ, trong khi nhu cầu của tỉnh hiện nay cho khu kinh tế Định An cần 4.500 sinh viên/ năm, tức gấp 3 lần. Vì thế cần thực hiện QĐ 1033/TTg quyết liệt hơn.
Theo Nguyễn Ngọc
(GD&TĐ)

Bình luận (0)